Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm người mất chỗ ngủ sau trận mưa đá ở Cao Bằng

“Mưa đá trút xuống, chúng tôi chỉ kịp kéo bạt để che thóc gạo. Nhà tôi phải chia nhau sang nhà hàng xóm được lợp bằng tôn để xin ngủ nhờ”, một người dân nói.

Ngày 2/4, ông Hoàng Thái - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, đang phối hợp cùng nhiều cơ quan chức năng tiến hành thống kê, hỗ trợ cho bà con vừa chịu thiệt hại của trận mưa đá kỷ lục vừa xảy ra.

Mưa đá trút xuống nhà dân.

Trước đó, khoảng 21h đêm 31/3, một trận mưa đá kỷ lục đổ xuống huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) khiến toàn bộ những ngôi nhà lợp ngói bị thủng mái. Hàng ngàn người dân lo lắng vì không có chỗ ngủ khi đồ đạc trong nhà ướt sũng.

Nhiều người dân mất chỗ ngủ vì mưa đá.
Mưa đá tại nhà anh Bế Văn Tiếp, một người dân ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).

Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường, vô số hạt mưa đá to bằng quả trứng có hạt to bằng nắm tay trút xuống liên tục, đập nát toàn bộ những mái nhà yếu.

Mưa đá phá thủng nhiều mái nhà lợp bằng ngói.

Những người dân ở huyện Trùng Khánh cho hay, đây là trận mưa đá có hạt to và gây ảnh hưởng lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Mưa đá bất ngờ khiến cho nhiều gia đình phải di cư khẩn cấp để trú mưa, xin ngủ nhờ.

Anh Bế Văn Tiếp - người dân xóm Sộc Riêng, xã Thông Huề (Trùng Khánh) cho biết: “Do xảy ra bất ngờ nên khi mưa đá trút xuống, chúng tôi chỉ còn kịp kéo tấm bạt để che số thóc gạo trong nhà. Tuy nhiên, mọi đồ đạc, toàn bộ chăn màn, phòng ngủ đều ướt sũng. Cũng như nhiều gia đình khác, không còn chỗ ngủ nên nhà tôi phải chia nhau ra nhà hàng xóm được lợp bằng tôn để xin ngủ nhờ”.

Mưa đá gây thiệt hại nặng nhất tại huyện Trùng Khánh là ở các xã Trung Phúc, Đoài Côn, Thân Giáp, Lăng Yên, Cảnh Tiên Lăng Hiếu, Cao Thăng, Đức Hồng… Hầu hết các mái nhà ở đây đều lợp bằng ngói đất truyền thống nên khi mưa đá xảy ra, ngói bị vỡ, nhà dột, nhiều đồ đạc bị hư hại.

Anh Nguyễn Văn Quyết, nhà ở xã Đức Hồng (Trùng Khánh) nói: "Nhà bị dột nát nghiêm trong, mọi thứ trong nhà, nhất là toàn bộ số thóc gạo đều bị ẩm. Chúng tôi chỉ mong nắng lên để phơi gạo khỏi bị mốc, nếu không sẽ chết đói. Hoa màu ngoài đồng ruộng cũng bị phá nát".

Phạm Hải

Bạn có thể quan tâm