“Quốc gia này chẳng còn lại gì nữa”, Thermidor Joam, 36 tuổi, nói trước Đại sứ quán Mỹ. “Nếu tổng thống còn bị chính lực lượng an ninh của mình sát hại, tôi sẽ chẳng có gì để bảo vệ mình nếu có người muốn giết tôi”. |
Joam chỉ là một người trong đám đông tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ trong 2 ngày 9-10/7, sau khi Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát tại dinh thự riêng vào ngày 7/7. Một số người trong đám đông giơ cao hộ chiếu hét lên “Cứu với, người tị nạn”. |
Một cô bé người Haiti chờ đợi trước Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Port-au-Prince. |
Người Haiti đổ xô tới trước Đại sứ quán Mỹ sau khi trên radio và mạng xã hội có tin đồn Mỹ sẽ cấp thị thực theo diện lưu vong và nhân đạo, theo AP. |
Tuy nhiên, một người Haiti đứng trước Đại sứ quán Mỹ có cách giải thích khác. “Họ (Người dân Haiti) muốn tới nơi an toàn. Họ đã tức tốc tới Đại sứ quán Mỹ khi nghe tin đây là nơi an toàn. Không phải vì tin đồn đại sứ quán cấp visa lưu vong”, người này trả lời African News. |
Một số người tận dụng nước từ vòi tưới cây tự động trên thảm cỏ trước Đại sứ quán Mỹ. |
Tình hình tại Haiti sau vụ ám sát càng bất ổn khi 2 nhân vật trong chính phủ tự nhận mình là người kế nhiệm hợp pháp của vị tổng thống quá cố. |
Nhiều băng đảng vũ trang tại Haiti cũng phát triển mạnh nhờ tham nhũng và buôn ma túy. Quyền lực ngày một lớn của những tổ chức này khiến hơn 14.700 người dân mất nhà cửa chỉ riêng trong tháng 6, khi thành viên băng đảng đốt phá nhà để giành lãnh thổ, theo AP. |
Haiti đã yêu cầu Mỹ triển khai quân đội đến để giúp kiểm soát tình hình, tuy nhiên New York Times nhận định các lãnh đạo quân đội Mỹ không mấy hứng thú với việc triển khai lực lượng tới Haiti. Nước Mỹ đang tránh việc mở rộng lực lượng ở nước ngoài, tuy nhiên cuộc khủng hoảng ở Haiti có thể leo thang thành cuộc khủng hoảng tị nạn đối với Washington. Trong ảnh, một cảnh sát quốc gia Haiti đứng gác cổng Đại sứ quán Mỹ đối diện đám đông. |
Mỹ không muốn tăng cường hiện diện quân sự ở nước ngoài, trong bối cảnh đang rút quân ở Afghanistan sau 20 năm giao tranh. Trong khi đó, yêu cầu của chính quyền Haiti còn vấp phải một số ý kiến phản đối của người dân. “Chúng tôi không muốn Mỹ can thiệp hay gì cả”, Monique Clesca, một tác giả và nhà hoạt động xã hội dân sự người Haiti, trả lời CNN. |