Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm cuộc biểu tình chống Trump chỉ là bước khởi đầu

Sau các cuộc tuần hành, nhà tổ chức muốn hướng người biểu tình sang đấu tranh cho các đề xuất cụ thể, gây áp lực với chính quyền Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Những người tham gia phong trào "Phụ nữ Tuần hành" trên khắp 50 tiểu bang nước Mỹ đã cởi mũ hồng, kết thúc cuộc biểu tình rầm rộ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ vừa chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước này, bên cạnh đó, không ít người quan tâm liệu điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. 

bieu tinh chong Trump anh 1
Người biểu tình tham gia phong trào "Phụ nữ Tuần hành" ở New York, Mỹ. Ảnh: The Verge.

Donald Trump: Chất keo gắn kết

Theo New York Times, trong quá khứ, mỗi phong trào phản kháng tập trung vào một vấn đề duy nhất như chiến tranh Việt Nam, quyền dân sự hay việc cứu trợ và chi tiêu của chính phủ.

Trong khi đó, cuộc tuần hành của nữ giới những ngày qua xoay quanh rất nhiều khía cạnh, từ quyền sinh đẻ đến môi trường, từ quyền được chăm sóc sức khỏe tới các vấn đề của cộng đồng người đồng tính... (LGBT). Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc làm thế nào để phong trào gắn kết các thành viên tham gia.

Tổng thống Trump và lời hứa công khai hồ sơ thuế Cố vấn của Tổng thống Donald Trump vừa cho biết ông sẽ không công khai hồ sơ thuế dù đã hứa rất nhiều lần trước đó.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phong trào tin rằng chất keo tốt nhất chính là mối đe dọa mang tên Donald Trump. Theo họ, sự lo sợ và căm ghét đối với người đàn ông đang đảm nhiệm cương vị tổng thống Mỹ đủ mạnh mẽ để trở thành động lực kết nối mọi người.

"Trump chính là lý do, chính ông ấy đã mang chúng ta đến với nhau", Thượng nghị sĩ Dân chủ từ bang Oregon Jeff Merkley, một trong số những nhà hoạt động của phong trào, nói.

Bước tiếp theo: Hành động chính trị 

Thông qua cuộc biểu tình lịch sử cuối tuần qua, các nhà tổ chức và người tham gia phong trào Phụ nữ Tuần hành muốn nói rõ thông điệp: Chúng tôi chỉ mới bắt đầu. 

Linda Sarsour, chủ tịch Hội người Mỹ gốc Arab tại New York, nói với New York Times rằng cuộc tuần hành là "cơ hội để đưa những cuộc đối thoại đến tận cùng". Mục tiêu lâu dài của nó là "tiến bộ xã hội và những thay đổi chính trị". Bà Sarsour là một trong những nhân vật quyền lực đứng sau phong trào Phụ nữ Tuần hành. 

bieu tinh chong Trump anh 2
Người biểu tình giơ biển chữ: "Cuộc tuần hành này chỉ là bước khởi động". Ảnh: dailykos.com.

Các nhà hoạt động cho biết mục tiêu hiện nay là hướng người biểu tình sang đấu tranh cho các đề xuất cụ thể, gây áp lực với chính quyền Trump và Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện.

Ngày 22/1, tổ chức Planned Parenthood, nhà tài trợ của phong trào, đã tổ chức khóa tập huấn cho 2.000 nhà tổ chức về việc biến các cuộc biểu tình thành hành động chính trị.

Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra năm 2018. Từ nay đến đó, các nhà hoạt động Dân chủ còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn giành quyền kiểm soát lưỡng viện từ đảng Cộng hòa. 

Ai-jen Poo, chủ tịch Liên minh Lao động Nội địa quốc gia, một trong những nhóm tham gia tuần hành, cho biết nhà tổ chức sẽ nghiên cứu các cuộc biểu tình ở toàn bộ 50 bang để lên kế hoạch về nội dung và tuyển tình nguyện viên cho chương trình hoạt động trong cuộc bầu cử 2018. 

Todd Gitlin, cựu chủ tịch phong trào Sinh viên vì Xã hội Dân chủ đồng thời là một nhà nghiên cứu về các phong trào chính trị, lưu ý rằng phong trào phản chiến và đòi quyền dân sự thành công được là nhờ các mạng lưới có tổ chức luôn đi trước và theo sát mọi cuộc biểu tình lớn.

Chiến dịch "10 hoạt động cho 100 ngày đầu"

Đây là nỗ lực nhằm thu hút người ủng hộ tham gia vào các hoạt động chung của phong trào Phụ nữ Tuần hành. Bước đầu tiên của chiến dịch là gửi bưu thiếp cho các thượng nghị sĩ.

Nhà tổ chức kêu gọi mọi người viết thiệp cho thượng nghị sĩ ở bang của họ. Mỗi người hãy nói về vấn đề khiến mình bức xúc nhất và nêu rõ sẽ làm gì để đấu tranh vì nó. Trang web của Phụ nữ Tuần hành cũng cung cấp nhiều mẫu bưu thiếp và công cụ tìm kiếm giúp người dùng tra cứu địa chỉ của các thượng nghị sĩ. 

Trang web còn kêu gọi người tham gia chụp ảnh với thiệp và đăng tải trên mạng xã hội kèm dòng hastag #WhyIMarch (vì sao tôi tuần hành).

Cứ 10 ngày trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhà tổ chức sẽ công bố một hoạt động mới và lôi kéo những người ủng hộ tham gia.

bieu tinh chong Trump anh 3
Một người đàn ông tham gia tuần hành với tờ giấy ghi dòng chữ: "#WhyIMarch. Tôi ủng hộ bình quyền và tin vào bình đẳng dành cho phụ nữ, trẻ em gái trên toàn thế giới". Ảnh: jewschool.com.

Thống nhất thông điệp: Trở ngại lớn nhất

Chuyển các cuộc biểu tình thành hành động chính trị không hề dễ dàng, đây là điều mà các phong trào phản kháng như "Chiếm Phố Wall" hay "Cuộc sống của người da màu đáng được coi trọng" đều thất bại. 

Thách thức đặt ra cho các nhà tổ chức hiện nay là làm thế nào gắn kết được thông điệp của các nhóm biểu tình, tạo thành động lực chung để duy trì và phát triển phong trào.

Họ cho rằng cách duy nhất để "tập hợp lực lượng" là vận động nhiều nhóm khác nhau, song việc này lại có thể làm "loãng" thông điệp của mỗi nhóm. Đặc biệt, phụ nữ thuộc các sắc tộc thiểu số lo ngại vấn đề phân biệt chủng tộc mà họ quan tâm sẽ bị lờ đi trong những nỗ lực thu hút cử tri từ tầng lớp lao động da trắng.

Minh chứng cho điều này là thất bại của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

"Liên minh ủng hộ Obama chưa bao giờ được duy trì sau bầu cử. Việc xây dựng một nền tảng chung (cho liên minh này) luôn thất bại", Kimberlé Williams Crenshaw, giáo sư luật tại Đại học California, Los Angeles, nhận định.

bieu tinh chong Trump anh 4
Người tham gia cuộc tuần hành phản đối Tổng thống Trump mang theo những thông điệp khác nhau về nhiều vấn đề như quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, quyền của cộng đồng LGBT, phân biệt chủng tộc... Ảnh: 9news.com.

Theo nhà tổ chức phong trào Phụ nữ Tuần hành, mối đe dọa Trump có thể giúp liên kết các nhóm trong liên minh ủng hộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, "chúng ta phải có đủ nguồn lực và sức sáng tạo để giải quyết hết tất cả các vấn đề của chúng ta", ông Ai-jen Poo nói. "Từ nay đến đó còn rất nhiều việc mà chúng ta phải làm".

Joy Gerhard, nhà tổ chức phong trào tuần hành của phụ nữ, khẳng định các cuộc biểu tình "không phải dấu chấm hết mà chỉ là bước khởi đầu".

Biểu tình chống Trump có thể lớn nhất trong lịch sử Mỹ Theo Vox, phong trào biểu tình Women's March diễn ra ở hơn 500 thành phố tại Mỹ hôm 21/1 thu hút hơn 3,7 triệu người tham gia, chưa kể biểu tình ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Số người biểu tình chống Trump có thể tăng đến mức kỷ lục

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ vừa chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử nước này và số người biểu tình có thể sẽ gia tăng trong vài ngày tới.

Ai đứng sau hàng trăm cuộc biểu tình chống Tổng thống Trump?

Những người đứng sau cuộc biểu tình "Phụ nữ Tuần hành 2017" là những nhân vật quyền lực và rất có ảnh hưởng. Nhóm tổ chức cũng khẳng định họ không biểu tình để "chống đối Trump".

Ngụy An

Bạn có thể quan tâm