Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Tết khuyến mại sâu vẫn ế vì thời tiết

Còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, hầu hết hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng đều giảm giá sâu. Tuy nhiên, mưa dầm ở Hà Nội, nắng nóng ở TP HCM khiến sức mua rất chậm.

Theo khảo sát của Zing.vn, những ngày cuối năm, hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều treo bảng giảm giá, khuyến mại hoặc xả hàng. Mức giảm tương đối sâu, dao động 20-50%. Đặc biệt mặt hàng quần áo, thời trang có nơi giảm ở mức 60-70%. 

Tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), các gian hàng quần áo đều treo biển giảm giá. Một thương hiệu thời trang tại tầng 1 thông báo giảm toàn bộ sản phẩm từ 30-50%. Nhiều loại hàng chất đống bán đồng giá 50.000-150.000 đồng một chiếc. 

Chị Oanh, trưởng nhóm bán hàng tại đây cho biết, chương trình xả hàng cuối năm sẽ kéo dài từ ngày 30/1 đến hết ngày 6/2 (28 Tết). Song sức mua năm nay, theo chị, giảm hẳn so với mọi năm. Hiện đơn vị có hơn 2.000 sản phẩm nằm trong chương trình giảm giá nhưng mới tiêu thụ được một phần năm. 

Một gian hàng xả hàng cuối năm với mức giá giảm sâu 30-50% song lượng khách mua không nhiều. Ảnh: Ngọc Lan.

Nguyên nhân hàng khuyến mại "ế" theo chị Oanh là thời tiết Hà Nội mưa, lạnh khiến người dân ngại mua sắm. Dù vào thời điểm cuối tuần, giáp Tết nhưng cửa hàng chị cùng nhiều gian xung quanh cũng khá ảm đạm khi chuẩn bị một lượng hàng xả khổng lồ mà không bán được. 

Hai vợ chồng chị Phan Thị Hường và anh Trần Cảnh Chung (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) mua hàng tại đây cho biết, giá hàng hóa năm nay ở mức bình ổn, không tăng cao ngất như mọi năm.

Song, dự báo thời tiết mưa rét còn kéo dài qua Tết nên anh chị không hào hứng lắm. Tranh thủ ngày cuối tuần, 2 vợ chồng mua 2 thùng bia và chút hoa quả về đãi khách.   

Cũng trong ngày cuối tuần, sinh viên ở nhiều trường đại học đã được nghỉ Tết. Kéo theo đó, các điểm bán hàng như chợ sinh viên, chợ Nhà Xanh, Ngã Tư Sở... hàng hóa nhiều nhưng người mua ít. 

Chợ Nhà Xanh (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) thường chật kín người mua sắm cuối tuần thì nay trở nên thưa thớt. Ảnh: Ngọc Lan.

Đang ngồi lướt Facebook, anh Cẩn, bán quần áo, đồ len ở chợ Nhà Xanh (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thông thường, cứ cuối tuần là sinh viên từ các nơi đổ dồn, chật kín chợ. Thế nhưng, tuần này, khách vắng tanh. Lượng hàng bán ra trong ngày chỉ bằng 1/3 lần so với các dịp khác.

Để kích cầu mua sắm, anh Cẩn và nhiều chủ hàng đã giảm giá ở mức 60% nhưng sức mua vẫn èo uột. Anh cho biết, đây cũng là dịp thanh lý hàng cuối năm. Đầu năm mới, anh sẽ chuyển sang hàng xuân-hè. 

Tại các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, lượng khách mua sắm cũng đông hơn ngày thường song chưa bằng so với mọi năm. 

Chị Loan, nhân viên bán hàng siêu thị Pico chia sẻ, 2 ngày cuối tuần thời tiết âm hơn nên khách tới đông hơn. Sản phẩm bán ra trong dịp này chủ yếu là các thiết bị giải trí như tivi, dàn âm thanh, đầu kỹ thuật số...

Tại TP HCM, thời tiết nắng nóng khiến cho tình hình mua sắm cũng không sôi động. Theo ghi nhận của Zing.vn, các trung tâm thương mại trung tâm, trong khoảng một tuần trở lại đây, đông khách hơn. Tuy nhiên, khách chủ yếu đi ngắm đồ, lượng người mua sắm thực rất ít.

Chiều 31/1 được cho là cao điểm mua sắm tại thị trường TP HCM nhưng tình hình thực tế khá ảm đạm. Tại các khu chợ, lượng người đến sắm Tết khá ít. Thời tiết nắng nóng khiến cho hoạt động mua bán trước Tết diễn ra tương đối rệu rã. 

Buổi chiều tối, hoạt động mua sắm diễn ra sôi động hơn. Theo ông Nguyễn Tấn Thành, đại diện hệ thống bán lẻ của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM, sức mua tập trung cao ở các mặt hàng, bánh kẹo, đồ khô và các mặt hàng gia dụng, hóa phẩm. Đặc biệt, tổng lượng giỏ quà Tết hệ thống đã bán ra cho đến thời điểm này là hơn 200.000 giỏ. Bán chạy nhất là loại mức giá 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó, các trung tâm thương mại lớn lại vắng khách. Anh Nguyễn Huy Dũng, Quản lý một nhãn hàng thời trang ở tầng 1, một TTTM trên đường Đồng Khởi, quận 1, cho biết, lượng khách tham quan, mua sắm không bằng mọi năm. Dù TTTM đã phồi hợp với các gian hàng tổ chức khuyến mãi lớn như giảm giá 50%, bán hàng giá gốc…

Theo anh Dũng, nhu cầu mua sắm của khách hàng cuối năm là rất lớn, nhưng năm nay, nhiều cửa hàng, siêu thị bên ngoài tổ chức thanh lý, giảm giá dồn dập, khiến khách hàng bị chia phối. TTTM bị “thất sủng” một phần do nhiều đơn vị tròng này khuyến mại ảo.

Trong khi đầu Hà Nội mưa rét thì TP HCM nắng nóng khiến tâm lý người mua bớt hào hứng. Ảnh: Nguyễn Quang. 

Trao đổi với Zing.vn, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho rằng, thông thường tuần cuối cùng trong năm người tiêu dùng sẽ đổ về các siêu thị. Đây cũng là thời điểm có sức mua lớn nhất trong năm.

"Tuần trước, nhu cầu mua sắm của khách hàng là đồ khô như bánh, mứt, kẹo... rượu biếu Tết. Bắt đầu từ tuần này (từ ngày 1/2/2016), lượng khách đổ về siêu thị dự báo sẽ tăng đột biến. Khi đó, nhu cầu mua sắm chủ yếu là đồ dự trữ cho gia đình như rau- củ - quả và thực phẩm tươi sống (thịt, cá... )", bà Hậu cho hay. 

Theo đánh giá của bà Hậu, nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng ngày một tăng. Do đó, tình trạng hàng hóa bán ra chỉ tăng chứ không giảm. Năm nay, sức mua cao hơn nhiều so với năm trước. Dự báo tuần tới đây trời hửng nắc, chắc chắn lượng khách đổ về các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ đông cứng như mọi năm.

Trong khi đó, Sở công Thương TP HCM cho biết, hàng hoá dịp Tết Nguyên đán 2016 sẽ dồi dào và giá cả ổn định. Bởi vì các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã chuẩn bị một lượng hàng trị giá tới hơn 16.200 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với Tết 2015.

Lợn, gà, bánh kẹo Tết dồn lên Facebook

Không dám mua hàng Tết ngoài chợ vì sợ nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng nên nhiều người chuyển sang mua sắm Tết qua Facebook của người quen.




Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm