Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2019. Trong đó, hãng sản xuất rượu hơn 120 năm tuổi tại Hà Nội tiếp tục có một năm kinh doanh chật vật và thua lỗ.
Cụ thể, tính riêng quý IV năm vừa qua, hãng rượu này ghi nhận 37 tỷ đồng doanh thu. Số doanh thu thuần ghi nhận về được chỉ đạt 33 tỷ đồng do phải trừ tiền chiết khấu thương mại cho đối tác phân phối.
Doanh số 3 tháng cuối năm 2019 của Halico đã giảm gần 18% và khiến lãi gộp công ty thu về cùng thời điểm đạt vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng.
Số lợi nhuận gộp nói trên chỉ đủ để hãng bù đắp hết chi phí quản lý doanh nghiệp, trong khi chi phí bán hàng cùng quý cũng tiêu tốn trên 10 tỷ đồng. Kết quả, Halico lỗ trước thuế hơn 8 tỷ đồng trong quý IV/2019.
Halico lỗ năm thứ 4 liên tiếp. Ảnh: Hiếu Công. |
Số lỗ quý gần nhất đã giảm đáng kể so với khoản lỗ hơn 21 tỷ đồng quý IV/2018, tuy nhiên khoản lỗ giảm sút không phải do Halico kinh doanh tốt hơn mà do công ty thu hẹp sản xuất và giảm bớt lượng hàng hóa bán ra. Trong đó, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này đã giảm 33%, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 67%.
Tính cả năm 2019, hãng rượu này ghi nhận 128 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với 2018. Biên lãi gộp cả năm giảm hơn 5 lần từ mức 12,13% (năm 2018) xuống vỏn vẹn 2,46% năm nay.
Do phải thu hẹp sản xuất kinh doanh từ đầu năm nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Halico đều giảm đáng kể. Sau cùng, công ty lỗ trước và sau thuế hơn 64 tỷ đồng.
Trước đó, lãnh đạo công ty cũng dự tính năm 2019 lỗ ròng từ hoạt động kinh doanh nhưng số dự tính ban đầu là 60 tỷ đồng.
2019 đồng thời là năm thua lỗ thứ 4 liên tiếp của hãng sản xuất rượu tại thủ đô. Trong năm trước đó, công ty này cũng lỗ ròng hơn 78 tỷ đồng.
Khoản lỗ trong năm 2019 đã đẩy lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Halico vượt mức 400 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ của công ty.
Halico tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898 và là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam.
Từng có giai đoạn nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng rượu này thậm chí từng được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, với mức tăng bình quân 25%/năm.
Bước ngoặt lớn nhất của hãng sản xuất rượu hơn 120 năm tuổi này chính là sự có mặt của đối tác chiến lược Diageo vào năm 2011. Cụ thể, thông qua Streetcar Investment Holding, hãng rượu lớn nhất thế giới đã chi ra gần 1.800 tỷ đồng để sở hữu 45,57% vốn tại Halico. Hiện tại, Diageo vẫn đang là cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này sau Habeco nắm giữ 54,29%.
Có cổ đông lớn là 2 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ uống có cồn, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Halico liên tục đi xuống.
Đặc biệt, từ khi vụ buôn lậu rượu của công ty này bị phanh phui, với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Hàng loạt lãnh đạo công ty sau đó đã bị khởi tố hình sự khiến hoạt động kinh doanh lao dốc.
Báo cáo thường niên của Diageo cũng cho biết tính đến hết ngày 30/6/2015, hãng đã phải trích lập 41 triệu bảng Anh cho thương vụ đầu tư vào Halico.
Lãnh đạo hãng này từng thừa nhận thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với rượu ngày càng khắt khe về chất lượng, hình ảnh và bao bì mẫu mã. Trong khi đó, Halico đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.
Mới nhất, Halico cũng như nhiều hãng sản xuất, phân phối rượu bia khác tại Việt Nam còn là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó xử phạt rất nặng với việc tài xế tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.