Nhìn hàng quán xung quanh đã bắt đầu rục rịch đón khách, Trần Văn Tập (41 tuổi), chủ quán bánh cuốn trên phố Đội Cấn, cảm thấy ngạc nhiên bởi anh vẫn duy trì bán mang đi. Trong khi đó, quận Ba Đình đã cho phép phục vụ tại chỗ từ ngày 22/1.
"Tôi nghe tin quận đã chuyển thành vùng vàng, nhưng phường Đội Cấn ở cấp độ 3. Do đó, tôi không biết được nhận khách ăn tại quán hay chưa. Tôi tưởng chỉ địa phương nào vùng vàng mới được bán tại chỗ", anh Tập nói.
Từ ngày 22/1, tình hình dịch bệnh tại 3 quận Ba Đình, Thanh Xuân và Cầu Giấy đã chuyển từ cấp độ 3 xuống 2. Những phường vùng cam ở các quận trên cũng được nhận khách tại chỗ trở lại, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên, nhiều chủ kinh doanh ở các phường vùng cam trong quận vùng vàng lại rơi vào thế bị động, phân vân không biết đã được phục vụ tại chỗ hay chưa.
Người trẻ đi cà phê ở các quận Cầu Giấy, Ba Đình khi biết hàng quán tại những khu vực này đã mở cửa đón khách trở lại. |
Lẫn lộn thông tin
Đến khi thấy hàng quán xung quanh bắt đầu có khách lui tới, Đình Dũng (30 tuổi), chủ quán trà chanh trên phố Dịch Vọng, mới biết quận Cầu Giấy đã được mở bán trở lại.
Anh cẩn thận kiểm tra thông tin trên báo chí lần nữa, rồi quyết định mở quán vào sáng 24/1.
"Thật khó để bắt kịp các quy định mới. Tôi cũng dễ nhầm lẫn vùng cam, vùng vàng, nên thường chỉ dựa vào nhắc nhở của UBND phường để biết được mở hay đóng".
Những ngày này, anh chỉ mong có thể đón nhiều khách hơn trước khi về quê ăn Tết. Anh dự định sẽ làm việc tới sáng ngày 29 Âm lịch.
"Tôi mừng khi được mở bán trở lại, nhưng chỉ được khoảng một tuần nữa. Năm nay người dân về quê ăn Tết sớm để cách ly, tôi không biết lượng khách có kịp phục hồi hay không", anh chia sẻ.
Đình Dũng mở cửa quán trà chanh khi thấy các cửa hàng xung quanh đón khách trở lại. |
Linh Chi (23 tuổi), quản lý một quán cà phê trên phố Đội Cấn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), cũng chung cảnh ngộ.
Phải đến khi khách nhắn tin, gọi điện hỏi về việc ngồi tại chỗ, cô mới biết các cơ sở kinh doanh ăn uống ở quận đã được phép đón khách.
"Tôi phải xác nhận lại thông tin với UBND phường, rồi đọc báo nên ngày 24/1 mới nhận khách ngồi lại", Chi kể.
Nữ quản lý cho biết cô khá bị động trước sự thay đổi cấp độ dịch bệnh do mới chuyển từ Đắk Lắk ra Hà Nội làm việc.
"Tôi biết rằng hình thức kinh doanh có thể thay đổi dựa vào cấp độ dịch ở từng địa phương, song thường cập nhật tin tức khá chậm. Tôi không biết phải đọc thông báo cụ thể ở đâu, sợ nhầm lẫn giữa các vùng vàng, cam nên phải trực tiếp xác nhận lại để yên tâm", Chi nói.
Khi được bán tại chỗ trở lại, nữ quản lý thở phào nhẹ nhõm khi có thể tranh thủ vài ngày mở cửa cuối cùng của năm để gặp lại khách hàng.
"Tôi định thu xếp công việc ở quán và về quê ăn Tết vào ngày 29/1. Được mở bán tại chỗ trở lại đột ngột nên tôi và các bạn nhân viên còn chưa kịp trang trí. Dù vậy, tôi rất mừng khi quán cuối cùng cũng có 'sinh khí' trở lại", cô cười, nói.
Linh Chi mới ra Hà Nội làm việc khoảng 3 tháng, chưa quen với cách phân cấp độ dịch theo quận, phường. |
Mong có thêm thu nhập trước Tết
Trần Thị Huyền (27 tuổi), chủ quán bún riêu trên phố Tô Hiệu (phường Dịch Vọng), thở phào nhẹ nhõm khi quận Cầu Giấy cho phép hàng quán bán tại chỗ trở lại. Chị hy vọng có thể kiếm thêm thu nhập trước khi về quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào ngày 28 Âm lịch.
Từ sáng 22/1, chị Huyền đọc thông tin quận Cầu Giấy giảm cấp độ dịch, chuyển thành vùng vàng trên mạng xã hội. Chị liền hỏi chính quyền địa phương về vấn đề bán tại chỗ, nhưng chưa nhận được thông báo cụ thể.
Tuy nhiên, chị vẫn túc tắc dọn dẹp khi thấy các cửa hàng xung quanh cũng nhộn nhịp chuẩn bị mở bán. Mãi đến sáng 23/1, quán mới chính thức được phục vụ khách dùng bữa tại cửa hàng.
“Thật may mắn khi lần này, quán chỉ phải bán mang về trong 2 tuần, không kéo dài như những đợt trước”, chị chia sẻ.
Quán bún của chị Huyền mới khai trương hồi tháng 4/2021. Sau 8 tháng hoạt động, chị và các nhân viên phải cất dọn bàn ghế tới 4 lần do quán chuyển sang bán mang về hoặc đóng cửa tạm thời nhiều tuần. Chị thừa nhận đã chán nản, mệt mỏi với tình cảnh ấy.
“Hơn nữa, mỗi lần như vậy, tôi phải cắt giảm nhân sự. Nếu giữ nhân viên ở lại, tôi không đủ tiền để trả lương cho họ. Họ cũng phải tìm công việc khác để kiếm sống, không thể bám trụ với mình mãi được”, chủ quán nói. Hiện cửa hàng chỉ có 4 nhân viên, hầu hết là người nhà của chị Huyền.
Chị Huyền cảm thấy chán nản khi phải cất bàn ghế tới 4 lần trong vòng 8 tháng hoạt động. |
Ngay khi mở trở lại, quán thu hút được nhiều thực khách ghé qua. Giờ cao điểm của cửa hàng là 11-13h, chủ yếu dân văn phòng tới dùng bữa.
Một số khách thường đặt món online cũng lập tức chuyển sang ăn trực tiếp tại quán. Từ sáng 23/1, nhiều người nhắn tin, gọi điện hỏi xem được ngồi tại cửa hàng chưa.
“Tuy nhiên, khi quán đông, tôi chủ động từ chối nhận thêm khách. Ngoài việc phòng, chống dịch, tôi cũng muốn đảm bảo chất lượng phục vụ, nhất là khi quán chỉ có vỏn vẹn 4 nhân viên”, chị nói.
Sau nhiều lần đóng - mở cửa hàng liên tục, chị Huyền trở nên chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình dịch bệnh để chuẩn bị tinh thần ứng phó.
Ban đầu, chị thậm chí không quen với khái niệm vùng cam, vùng vàng. Chị chỉ quan tâm quận nào được mở bán tại chỗ, quận nào không.
“Chẳng hạn, hồi đầu tháng 1, tôi khá lo lắng khi quận Cầu Giấy là khu vực trung tâm cuối cùng được bán tại chỗ. Hàng quán luôn đông khách, cảm giác mọi người đổ dồn về đây. Khi ấy, tôi e ngại rằng quận sẽ sớm tăng cấp độ dịch nên đã chuẩn bị sẵn tinh thần, không để bị động như những lần trước”.
Chia sẻ với Zing, chủ quán cho biết sang năm mới, chị chỉ mong dịch bệnh thuyên giảm để hàng quán được duy trì phục vụ khách trực tiếp.
“Đại dịch đã gây tác động nặng nề tới tất cả chủ kinh doanh, trong đó có tôi. Nếu không gặp Covid-19, có lẽ giờ đây quán của tôi thu về lượng thực khách gấp 3-4 lần hiện tại”, chị Huyền nói.
Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND Hà Nội đến ngày 21/1, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Hà Nội có 26 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 4 khu vực gồm Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ ở cấp độ 3.
So với một tuần trước, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên từ cấp độ 3 (vùng cam) xuống cấp độ 2 (vùng vàng). Ngược lại, huyện Chương Mỹ từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, không có đơn vị hành chính cấp huyện nào ở mức 4 (vùng đỏ).
Theo thông báo này, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ đã được nới lỏng, hàng quán được bán, ăn, uống tại chỗ.