Ghé vào quán cơm văn phòng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), anh Trương Nguyễn Thanh Bình (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 1) ngạc nhiên khi thấy bảng menu đã thay giá hầu hết món ăn.
"Là khách quen ở đây hơn 5 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy quán tăng giá nên cũng khá bất ngờ", anh Bình nói với Zing.
Theo nhân viên văn phòng này, một số hàng quán trong khu vực quận 1, quận 3 gần nơi anh làm việc cũng đồng loạt điều chỉnh giá trong thời gian gần đây, tăng trung bình 5.000-10.000 đồng/món ăn.
"Trước đây tôi ăn trưa hết khoảng 40.000 đồng, nhưng hiện cũng phải tăng lên 50.000-55.000 đồng".
Một số quán ăn ở TP.HCM điều chỉnh menu sau khi xăng, gas tăng giá. |
Anh Bình cho rằng xăng, gas tăng giá kéo theo mọi chi phí sinh hoạt từ ăn uống, đi lại tăng theo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, từ khi lập gia đình vào năm 2017 đến nay, anh chưa bao giờ cảm nhận được sự ảnh hưởng của giá cả leo thang như hiện tại.
"Nói thật thì lúc sống độc thân tôi ít khi quan tâm đến giá xăng, giá gas, đi đổ xăng thậm chí không nhìn giá. Nhưng sau khi lập gia đình, có con, phải lo nhiều khoản, tôi mới thấy giá xăng tăng 'đánh thẳng' vào túi tiền của mình như thế nào".
Cơm văn phòng tăng giá
Trong 2 năm dịch bệnh bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn, anh Đỗ Bá Thiêng (40 tuổi, chủ của 3 quán cà phê, cơm văn phòng ở quận 3) vẫn không có ý định tăng giá đồ ăn.
Tuy nhiên, sau khi giá xăng, giá gas tăng mạnh trong những tuần gần đây, anh Thiêng đã phải dán chồng giá mới trên menu của quán. Các món ăn tăng khoảng 5.000 đồng/món, còn nước uống tăng từ 1.000-2.000 đồng.
"Tăng giá là điều không ai mong muốn. Nhưng vì mọi chi phí đều leo thang nên chúng tôi buộc lòng phải làm vậy. Trước đây một bình gas 12 kg chỉ 340.000-350.000 đồng, nhưng hiện là 480.000-500.000 đồng rồi".
Chủ quán cho hay xăng tăng giá khiến chi phí nhập nguyên liệu đều ít nhiều tăng theo. Không chỉ vậy, tiệm ăn này còn có đội shipper miễn phí trong khu vực quận 3 nên giá xăng ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận.
Anh Thiêng cho biết quán phải buộc lòng tăng giá vì giá gas, xăng, nguyên liệu, quỹ lương cho nhân viên đều tăng. |
"Chúng tôi cũng phải tăng giá để điều chỉnh lương cho nhân viên. Hiện quán có khoảng 30 nhân viên. Sinh hoạt phí tăng khiến đời sống mọi người khó khăn nên đồng lương cũng không thể như cũ. Sau khi tăng giá đồ ăn, lương nhân viên được tăng từ 10-20%", anh Thiêng cho hay.
Là khách quen của tiệm ăn này, anh Khoa và anh Lạc (đều là nhân viên tại văn phòng trên đường Cách Mạng Tháng Tám) không bất ngờ khi quán điều chỉnh giá trong thời điểm hiện tại.
“Giờ vật giá leo thang, quán tăng giá là chuyện rất bình thường. Chỉ cần chất lượng đồ uống, thức ăn được đảm bảo thì tôi thấy đó không phải vấn đề. Giá đồ uống ở đây vốn thuộc mức trung bình, bây giờ cũng chỉ tăng nhẹ”, anh Lạc nói.
Thường xuyên ăn uống bên ngoài, anh Lạc có chút lo lắng khi nghĩ đến chuyện chi phí sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt giá xăng tăng quá cao.
“Tuy nhiên như chúng tôi là người độc thân nên không quá khó khăn, cá nhân tôi cũng chưa phải cắt giảm nhu cầu gì. Nhưng tôi nghĩ những bạn đã có gia đình, con nhỏ sẽ phải đau đầu tính toán hơn trong tình hình này”.
Anh Khoa và anh Lạc không quá bất ngờ khi nhiều hàng quán bắt đầu tăng giá. |
Chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá
Trải qua 2 năm dịch bệnh, phải đóng cửa suốt nửa năm TP.HCM phong tỏa, quán phở Cao Vân (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1) mới hoạt động trở lại được 3 tháng. Giữa thời điểm giá xăng cao kỷ lục kéo theo hàng loạt mặt hàng, nguyên vật liệu tăng lên, anh Trần Văn Phụng (40 tuổi), chủ quán phở, cho biết sẽ cố gắng không tăng giá.
“Thời gian này đời sống mọi người đều ảnh hưởng do giá xăng tăng vọt. Một số bên cung cấp nguyên liệu cũng có tăng giá, nhưng họ báo trước với tôi để thống nhất, dù sao cũng là bạn làm ăn nhiều năm.
Dù vậy, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nên tôi không tăng giá. Thà mình chấp nhận lời ít hơn, chứ nếu tăng thì gánh nặng chi phí lại đổ lên hết đầu khách, tôi không muốn như vậy”.
Anh giải thích giá nguyên liệu tăng, song “thịt có tăng cũng thêm chục nghìn một ký, rau tăng vài nghìn một bó” nên vợ chồng anh vẫn có thể cân đối được. Không phải thuê mặt bằng như nhiều quán khác nên anh có thể bù đắp chi phí sang cho nguyên liệu và nhân công.
Quán phở Cao Vân cố giữ giá sau lần điều chỉnh vào hồi đầu năm. |
Suốt 7 năm, từ khi người sáng lập nên phở Cao Vân là ông Trần Văn Phồn còn sống, quán vẫn giữ nguyên mức đồng giá 55.000 đồng/tô. Đầu tháng 1/2022, quán lần đầu tăng giá lên 60.000 đồng/tô.
“Thời điểm đó, quán vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng do nghỉ bán suốt nửa năm, nhân viên nghỉ hết, vợ chồng tôi còn phải sửa sang lại mặt bằng. Để tuyển được nhân viên, tôi phải nâng lương lên 1,5 lần. Vì lẽ đó nên mới phải tăng giá, dù chúng tôi không hề muốn”, anh Phụng bày tỏ.
Anh Phụng là người nối nghiệp ông Phồn để gìn giữ hương vị và danh tiếng của phở Cao Vân có lịch sử hơn 70 năm.
Anh cho biết luôn làm theo tôn chỉ giống với ba mình là “lấy công làm lời”: “Ba tôi dạy muốn làm người khôn thì phải 'sống ngu' hơn thiên hạ. Nghĩa là buôn bán bằng cái tâm, phải lao động chăm chỉ chứ không dùng mánh khóe tăng giá, cắt xén nguyên liệu để kiếm lời. Làm sao khách đến một lần, còn ghé tới với mình nhiều lần nữa”.
“Ngay cả dịp Tết Nguyên đán, khi hàng loạt hàng quán ở thành phố tăng giá hoặc thu phụ phí, chúng tôi bán đúng giá chứ không tính thêm một đồng nào”, anh nói thêm.
Khách hàng của phở Cao Vân là dân văn phòng khu vực xung quanh và dân cư địa phương. Tuy nhiên, từ sau khi TP.HCM mở cửa đến nay, lượng khách đã sụt giảm khoảng 40%.