Cảng Cát Lái, TP.HCM là cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam và đã vượt 60% so với quy hoạch. Hiện giao thông khu vực ra vào cảng đang bị quá tải khi tiếp nhận lượng xe lớn.
|
Cảng Cát Lái (đường Nguyễn Thị Định, quận 2, TP.HCM) có tổng diện tích 160 ha, hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Cảng thuộc quản lý của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn này hiện chiếm thị phần trên 90% sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng tại TP.HCM, 40% công suất sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước. |
|
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái liên tục tăng, năm 2016 đạt 47 triệu tấn, năm 2017 trên 56 triệu tấn, đến năm 2018 hơn 66 triệu tấn. Theo sở GTVT TP.HCM, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng hàng hóa về cảng này đã đạt 58,8 triệu tấn. Như vậy về sản lượng đã vượt 60% so với quy hoạch đến năm 2020 (37 triệu tấn/năm). Ảnh: Quỳnh Danh. |
|
Cảng áp dụng hệ thống quản lý, khai thác container hiện đại TOP-X của RBS (Australia) và TOPOVN cùng hệ thống phần cứng đồng bộ cho phép quản lý container theo thời gian thực, tối ưu hóa năng lực khai thác cảng, giảm thời gian giao nhận hàng, tạo nhiều tiện ích cho khách hàng… |
|
Chiều dài cầu tàu của cảng hơn 2.000 m, với 10 bến, được trang bị 30 cẩu bờ hiện đại, cho tàu có tải trọng đến 30.000 tấn hoạt động. Bến tàu có độ sâu 12,5 m của cảng trên sông Đồng Nai này luôn kín tàu vào "ăn hàng" những thời điểm nước lớn. Các cụm cẩu bờ hoạt động bốc, xếp container rất nhộn nhịp. |
|
Mới đây Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề nghị bỏ quy định khống chế số lượng 81 chuyến tàu/tuần cập cảng Cát Lái. Đồng thời, cho tàu có tải trọng trên 45.000 tấn cập cảng này. |
|
Việc đơn vị này đề nghị bỏ quy định khống chế số tàu là do tổng công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục giao nhận hàng, giảm thời gian và chi phí; điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái với các cảng ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. |
|
Hiện cảng Cát Lái đã có 5 cổng giao nhận container A,B,D,E,G với 31 làn vào và 18 làn ra (tăng 11 làn vào; 8 làn ra khi mở rộng thêm cổng E); cổng C dành cho hàng lẻ 3 làn vào, 2 làn ra đáp ứng lượng phương tiện ra vào cảng giao nhận hàng hóa thông suốt. Tuy nhiên, tại cổng A nằm bên đường Nguyễn Thị Định nhiều thời điểm các làn xe container phải xếp hàng kéo dài ra mặt đường để chờ qua cổng. |
|
Việc đề nghị bỏ quy định khống chế số chuyến tàu trên lo ngại sẽ gây áp lực lên giao thông đường bộ khi giao thông khu vực quanh cảng chưa được đồng bộ. Cụ thể hiện nay, các loại xe ra vào cảng, qua lại bến phà Cát Lái đều lưu thông trên đoạn đường duy nhất là đường Nguyễn Thị Định. Nằm hai bên tuyến đường này là khu công nghiệp Cát Lái và các dự án bất động sản. |
|
Đoạn đường này từ nút giao thông Mỹ Thủy tới phà Cát Lái khá nhỏ hẹp nhưng đón nhận một lượng rất lớn container, lại bị xung đột với các đường nhánh ra vào các cảng, bến bãi xung quanh nên thường xuyên bị quá tải. Lưu lượng xe ra vào cảng bình quân 16.100 xe/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt/ngày đêm đã vượt quá năng lực của tuyến đường này gấp 2 lần. |
|
Giữa năm 2018, nút giao thông Mỹ Thủy đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với hầm chui, cầu vượt đã giảm ùn tắc tại đây, các gói thầu dự án này vẫn đang tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, hướng lưu thông trên đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định vẫn thường xuyên bị ùn ứ kéo dài khi hàng nghìn xe container cùng lúc ra vào cảng. |
|
Đường Đồng Văn Cống cũng thường xuyên chịu cảnh xe container, xe tải xếp hàng dài nhích từng chút một để vào cảng. |
cảng Cát Lái vượt công suất so với quy hoạch
cảng Cát Lái
cảng Cát lái vượt công suất
kẹt xe đường vào cảng Cát Lái