Tài xế cho rằng giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ tại BOT Tiền Giang không hợp lý khi so với cao tốc Trung Lương - TP.HCM, nên hàng nghìn lượt ôtô né trạm Cai Lậy mỗi ngày.
Trạm BOT Cai Lậy, nơi người dân nhét tiền lẻ vào ống nhựa phản đối thu phí. Đồ họa: Minh Trí.
Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) chính thức hoạt động từ ngày 1/8. Trạm đặt tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang)
Theo Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang), dự án xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 đến Km 2014 có tổng vốn đầu tư trên 1.398 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến tránh dài 12,02 km đầu tư mới trên 1.000 tỷ và phần tăng cường mặt đường 26,5 km từ xã Mỹ Quý (thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông của huyện Cái Bè, cách trạm dừng chân Phương Trang khoảng 2 km về hướng Cần Thơ.
Sau gần 10 ngày BOT thu phí qua trạm Cai Lậy, nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải phản ánh rằng phí nơi này cao hơn khi so với tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Theo các tài xế, trạm đặt trên quốc lộ 1 nên xe đi đường tránh hay vào thị xã Cai Lậy đều phải qua trạm.
Vài ngày trước, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ nhét vào chai nhựa khi mua vé qua trạm. Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, cho biết đến nay trạm ghi nhận 10 trường hợp tài xế mua vé bằng tiền lẻ nhét vào chai nhựa. Đơn vị đã tăng cường nhân viên làm việc tại trạm Cai Lậy để cắt chai, lấy tiền lẻ ra đếm để xe qua nhanh.
Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy có 5 mức thu dành cho các loại xe. Trong đó, mức phí thấp nhất là xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại ôtô vận tải khách công cộng
(35.000 đồng/vé); phí cao nhất là 180.000 đồng/vé, dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Không muốn mất tiền khi qua trạm Cai Lậy, nhiều tài xế taxi và hàng nghìn xe khách, ôtô tải, xe cá nhân đã né trạm, chạy vào đường huyện 63 và 67 của huyện Cai Lậy.
Theo một chủ quán giải khát ở đầu lộ Giồng Cát (đường liên xã Bình Phú - Phú An), mỗi ngày có hàng nghìn ôtô né trạm Cai Lậy, chạy nối đuôi nhau ra quốc lộ 1 ở khu vực gần chùa Phước Long ở ấp 6, xã Phú An. Khi đổ ra quốc lộ 1, ôtô phải vòng lại cuối dải phân cách để chạy về hướng Cần Thơ.
Cảnh sát giao thông tuần tra đường huyện 63 và 67 ở Tiền Giang để kiểm tra xe quá tải, hoặc ôtô khách chạy sai tuyến khi né trạm Cai Lậy.
Đoạn quốc lộ 1 nằm trong gói dự án tăng cường mặt đường ở huyện Cái Bè. Mặt đường có 2 làn ôtô mỗi bên và một làn dành cho xe máy.
Tài xế Trần Văn Hùng cho biết trạm Cai Lậy đặt trước nhà của ông là không hợp lý vì khu vực này đông dân cư. "Cách trạm thu phí một đoạn không xa là đất trống nhưng họ không đặt trạm. Người dân chạy xe vào nhà rất bất tiện vì cạnh làn đường dành cho xe máy, khói xe bay vào nhà bám đen mọi vật dụng. Mỗi ngày tôi qua lại trạm nhiều lượt và lần nào cũng tốn 50.000 đồng để mua vé cho xe 16 chỗ", ông Hùng nói.
Theo giải thích của lãnh đạo BOT Tiền Giang, trạm Cai Lậy là "thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ" chứ không phải thu phí đường bộ.
Nhiều tài xế nhét tiền lẻ vào chai nhựa để mua vé khi qua trạm thu phí Cai Lậy ở Tiền Giang. Để làm vui lòng tài xế, nhân viên của trạm luôn tươi cười và nói lời cảm ơn.
“Tiền nào cũng là tiền. Tài xế đưa bạc cắc thì chúng tôi cũng thu để hồi vốn và có nhân viên làm việc này”, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, khẳng định.