Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn người xếp hàng trong giá rét chờ xin ấn đền Trần

Dưới sự hướng dẫn của 2.000 nhân viên an ninh, đông đảo người dân lần lượt xếp hàng một cách trật tự vào xin ấn tại đền Trần (Nam Định) lúc 6h sáng 14/2.

Sáng 14/2, ngày đầu tiên xin ấn, các gian Thiên Trường, Quỳnh Hoa và Cố Trạch tại đền Trần tuy đông nhưng không quá tải như các năm trước.
Năm nay, 2000 chiến sĩ cảnh sát cơ động và công an được tăng cường, giúp cho việc phát ấn trật tự hơn.
Người dân chịu khó xếp hàng, bất chấp giá lạnh.
Mỗi người dân xếp hàng tuỳ tâm công đức (khoảng 20.000 đồng-50.000 đồng) được xin 1 đến 2 ấn, tối đa một người được 10 tờ (200.000 đồng).
Những người xếp hàng từ tinh mơ đã sớm lấy được ấn mang ra ngoài.
Người xin được ấn chắp tay cầu nguyện.
Kể từ khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép đền Trần khôi phục lại nghi lễ này, mỗi dịp rằm tháng giêng người dân lại đổ về đông đúc với mong muốn được trực tiếp lấy ấn cầm tay.
Năm nay, BTC chưa phát hiện thấy có ấn giả như mọi năm. Còn các du khách từ tỉnh xa về rất hân hoan sau khi lấy được ấn thành công. Nhà đền sẽ phát ấn từ nay cho đến hết ngày 20/1 (âm lịch) để phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân.

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII (năm 1239) của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, nghi lễ này bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Thiên Trường là căn cứ địa dễ tiến thoái và là nơi có thể tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường... Danh sĩ Phạm Sư Mạnh từng gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng".

Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé nơi đây và cho khắc lại bằng chữ "Trần triều điển cố". Và từ đây, lễ khai ấn vào giờ tý ngày rằm tháng giêng (từ 11h đêm 14 đến 1h sáng ngày 15 tháng giêng) được cử hành. Đây là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Theo quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, các nghi lễ rước ấn và khai ấn vẫn được tổ chức bình thường. Riêng lễ khai ấn chỉ đóng 9 ấn cho các đền chùa xung quanh khu vực đền Trần vào đêm ngày 14/1 (âm lịch). Ấn được phát rộng rãi ra nhân dân và du khách thập phương vào sáng ngày 15/1 (âm lịch).

Tuấn Mark

Bạn có thể quan tâm