Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn người tiễn đưa Giáo sư Trần Văn Khê

Rạng sáng 29/6, lễ động quan Giáo sư Trần Văn Khê diễn ra trong không khí trang nghiêm. Rất đông người dân tập trung ở ngoài tư gia đưa tiễn tài năng kiệt xuất của nền âm nhạc.

Lễ động quan Giáo sư Trần Văn Khê diễn ra theo nghi thức Phật giáo. Mở đầu nghi thức, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải - con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê - đọc điếu văn tóm tắt sự nghiệp của cha, tri ân những người đã ở bên hỗ trợ gia đình lúc tang gia bối rối và cho biết, gia đình sẽ dùng tiền phúng viếng thành lập Quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê.

Trong bản di nguyện lập trước đó, Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ nguyện vọng chi phí tang lễ được dùng từ tiền mặt và trích sổ tiết kiệm của ông. Tiền phúng điếu, nếu có, được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hàng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Sau lễ động quan, linh cữu Giáo sư được đưa lên xe tang và bắt đầu tiến về nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa (Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Những giọt nước mắt tiếc thương một nhân tài kiệt xuất - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt cũng bắt đầu lăn dài trên gương mặt nhiều người.

Di ảnh của Giáo sư được con trai thứ Trần Quang Minh ôm trên tay trong khi con trai trưởng, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải ôm lư hương theo sau là đoàn tăng sư.

Di ảnh Giáo sư được con trai ôm trên tay.

Những ngày qua, các lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo và hơn 500 đơn vị, tổ chức cùng hàng nghìn lượt thân hữu đã đến viếng tang, chia buồn cùng gia đình. Trong lễ truy điệu, đại diện gia đình giáo sư dành nhiều lời biết ơn và xúc động trước tình cảm này.

Trong ngày đưa tiễn ông về với đất trời, nhiều người dù tuổi cao, sức yếu vẫn được con cháu chở đến để thực hiện được nguyện vọng thắp nén nhang cho hương hồn Giáo sư.

Phía ngoài tư gia, hàng trăm người quý mến tài năng lẫn nhân cách sống của vị giáo sư cũng tề tựu về. Không ai bảo ai, họ trật tự đứng 2 bên đường, đưa mắt hướng về phía linh cữu ông thay cho lời vĩnh biệt. Trước đó, nhiều tăng sư chức sắc đã đến tụng niệm cho hương hồn Giáo sư Trần Văn Khê thanh thản ra đi. 

Nhập mô tả cho ảdh
Hàng nghìn người đứng ở đường Huỳnh Đình Hai (Phú Nhuận, TP HCM) tiễn đưa Giáo sư.

Nghệ sĩ Hải Phượng – học trò ưu tú của Giáo sư Trần Văn Khê cũng là người bên cạnh ông trong những giây phút cuối đời cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ niềm tin rằng thầy cứ vào viện vài ngày lại ra như những lần trước mà thôi. Không ai nghĩ ông đã ra đi vĩnh viễn”.

Còn với NSND Kim Cương, dù sức khỏe không tốt, những ngày qua, bà đều thường xuyên tới lui tư gia của Giáo sư để an ủi gia đình cũng như phụ giúp công tác tang lễ.

Nhập mô tả cho ảndh
NSND Kim Cương và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng tiễn đưa Giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng.

Với Kỳ nữ Kim Cương, Giáo sư Trần Văn Khê không chỉ là người anh, người thầy mà còn là chỗ dựa tinh thần, là nơi bà yên tâm tìm đến để trút bầu tâm sự từ khi má Bảy Nam mất. Bà nghẹn ngào nói: “Ai nấy đều biết rồi cũng sẽ có ngày này. Nhưng 3h khuya đêm đó, nghe tin anh Khê qua đời, tôi vẫn hụt hẫng vô cùng”.

Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp và từng là Giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam.

Ông từng hiến tặng cho TP HCM 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Sau gần 1 tháng chữa trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), Giáo sư Trần Văn Khê trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 24/6, hưởng thọ 94 tuổi. 

 

Phi Phi

Ảnh: Thành Luân

Bạn có thể quan tâm