12h trưa 30/5 (tức mùng 5 tháng 5 âm lịch), hàng nghìn người dân Bình Định từ khắp nơi tập trung về TP Quy Nhơn tắm biển cầu mong may mắn cho gia đình. Bãi biển Quy Nhơn uốn cong "vầng trăng khuyết" kéo dài 5 km từ mũi Tấn đến khu vực Ghềnh Ráng đông người, khác với các buổi trưa bình thường.
Bãi xe ven bãi biển Quy Nhơn quá tải khi nhiều người vượt hàng chục km về TP Quy Nhơn tắm biển. Họ đưa con, cháu đến tắm biển giữa trưa trời nắng oi bức.
Người lớn, trẻ em vô tư nô đùa trong làn nước biển xanh trong. Nhiều người còn mang cả chiếc dù che nắng cho con, cháu tắm.
Bãi biển Quy Nhơn uốn cong "vầng trăng khuyết" đông người, khác với các buổi trưa bình thường.
Ảnh: Minh Hoàng. |
Người dân Bình Định cho hay, từ lâu họ xem 12h trưa tết Đoan Ngọ là giờ lành, thiêng liêng. Sau khi làm mâm cúng ông bà, tổ tiên, vợ chồng cùng con cái cùng đến biển tắm để xua đuổi điều rủi ro, cầu mong mọi sự tốt lành.
Ông Nguyễn Minh (ngụ phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cho hay theo tập tục địa phương, 12h ngày Tết Đoan Ngọ ra tắm biển mang lại điều tốt lành, hạn chế được bệnh tật. "Sau khi bày mâm cúng ông bà dịp tết giữa năm, ăn trưa xong, hai vợ chồng cùng con cháu đi xe máy đến bãi biển Quy Nhơn tắm cầu may với hy vọng sóng biển sẽ cuốn trôi đi những điềm xấu", ông Minh thổ lộ.
Chưa quen tắm biển, một bé gái bám riết người thân ở bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Với những gia đình cách xa trung tâm TP Quy Nhơn, sau khi tắm biển cầu may, họ tổ chức ăn uống, vui chơi dưới những tán cây cổ thụ hay rừng dương ven biển nơi đây.
Tết Đoan ngọ hoặc Tết Đoan dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) hàng năm là ngày Tết truyền thống tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian Phương Đông. Đoan nghĩa là mở đầu, ngọ là khoảng thời gian từ 11h đến 13h.
Theo triết lý Y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc. Do vậy, không chỉ riêng người dân Bình Định, nhiều địa phương ở ven biển miền Trung đúng giờ ngọ họ đi tắm biển cầu may, hy vọng đẩy lùi bệnh tật. Cùng quan niệm này, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
Ở Việt Nam gọi ngày Tết Đoan ngọ là “Tết giết sâu bọ” là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.