Sáng 17/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố một số kết quả của dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại ven biển của 7 tỉnh.
Trong năm 2018, đã có 1.098 “ngôi nhà an toàn” (có khả năng chịu bão tốt hơn) được xây dựng, gần 200 ha rừng ngập mặn được trồng và phục hồi, trong dự án mang tên “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.
“Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, và việc nâng cao năng lực để giảm nhẹ rủi ro trước các thiên tai do biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các tỉnh ven biển Việt Nam là hết sức quan trọng”, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Văn Thắng, đồng trưởng ban chỉ đạo dự án, phát biểu.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Văn Thắng (ở giữa) và bà Caitlin Wiesen, quyền trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam (ở giữa, bên phải) đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Dự án này dự kiến có tổng kinh phí thực hiện khoảng 42 triệu đô-la từ năm 2021, bao gồm 29,5 triệu USD từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), 10,9 triệu USD vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam, và 1,6 triệu USD từ UNDP.
Bà Lê Thị Lài (thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là trong hơn 1.000 hộ dân được hưởng nhà an toàn từ dự án trong năm 2018. Ảnh: UNDP. |
Hàng năm, gần 60.000 nhà bị phá hủy hoặc hư hại do lũ lụt ở Việt Nam, chủ yếu là nhà cấp 4, chiều cao thấp, lâu không được cải tạo, khiến các cộng đồng bị ảnh hưởng khó thoát nghèo hơn, theo UNDP.
Những ngôi nhà an toàn của dự án ưu tiên cho nhóm dễ bị tổn thương trong thiên tai như người nghèo, người già. Đã được xây dựng ở Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, những ngôi nhà này cứu sống con người, giảm thiểu thiệt hại do bão lụt, nhờ các tính năng như móng nhà được gia cố, cửa chắc chắn, hệ thống thoát nước, tầng 2 cao hơn mực nước, theo thông tin từ dự án.
Hàng năm, gần 60.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại do lũ lụt ở Việt Nam. Ảnh: UNDP. |
Trong khi đó, rừng ngập mặn đã hoặc dự kiến được trồng ở Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau, sẽ chắn sóng, cung cấp khu đệm tự nhiên giữa các cộng đồng này và biển.
Ngoài ra, dự án cũng tập huấn cho hơn 15.000 cán bộ các cấp và người dân ở 100 xã về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
“Dự án này đặt mục tiêu xây dựng tổng cộng 4.000 nhà an toàn, trồng hoặc khôi phục 4.000 ha rừng ngập mặn. Tất nhiên con số đó vẫn chưa là đủ cho Việt Nam. Tôi hy vọng đây sẽ là hình mẫu để nhân rộng và trở thành nỗ lực lâu dài của chính phủ, không chỉ ở các cộng đồng trên, mà là cả nước”, bà Caitlin Wiesen, quyền trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, đồng trưởng ban chỉ đạo dự án, nói với Zing.vn.
Một ngôi nhà an toàn đang được xây dựng. Ảnh: UNDP. |
Trong năm 2019, sẽ có hơn 1.300 ngôi nhà an toàn được xây dựng và 1.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và khôi phục, theo thông tin từ dự án.