Hàng nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách băng qua sông Naf nằm giữa Myanmar và Bangladesh hoặc vượt qua biên giới đất liền để chạy trốn khỏi bạo lực.
Vụ bạo lực đánh dấu sự leo thang căng thẳng của cuộc xung đột nổ ra trong khu vực từ tháng 10 năm ngoái, khi cuộc tấn công của người Rohingya bị quân đội đàn áp tàn bạo.
Một số người tị nạn đã thoát khỏi các cuộc tàn sát trước đây ở Myanmar cho biết cảnh sát Bangladesh đã cảnh báo họ không giúp đỡ những người mới đến.
Hàng trăm người tị nạn Rohingya vẫn mắc kẹt tại "đường biên số 0" giữa Bangladesh và Myanmar. Ảnh: AFP. |
"Họ nói với chúng tôi rằng 'Nếu ai đó cho họ chỗ trú ẩn thì chúng tôi sẽ bắt giữ và đưa sang bên kia'. Vì sợ hãi nên chúng tôi không dám tiếp nhận những người mới đến", ông Mohammad Yunus, một người Hồi giáo Rohingya đang sống tại trại tị nạn tạm thời gần biên giới, cho biết.
Bất chấp những biện pháp này, khoảng 2.000 người có thể đã tràn sang Bangladesh từ ngày 25/8 theo ước tính của những người tị nạn sống trong các trại tập trung gần biên giới.
Việc giải quyết khoảng 1,1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở khu vực nơi đa số người dân Myanmar theo Phật giáo được xem là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo quốc gia Aung San Suu Kyi, người đã lên án vụ tấn công và khen ngợi các lực lượng an ninh.
Theo Reuters, trong nhiều năm, người Rohingya đã trải qua những điều kiện giống như apartheid ở tây bắc Myanmar, nơi họ bị từ chối quốc tịch và phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt về đi lại. Nhiều Phật tử Myanmar coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.