Hàng nghìn 'chân dài' mô hình gây chú ý ở chợ vải lớn nhất miền Bắc
Thứ ba, 9/4/2019 08:35 (GMT+7)
08:35 9/4/2019
Dọc tuyến phố dài hơn 1 km ở chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) có hàng nghìn chiếc mannequin nữ giới xếp tràn ra cửa tiệm bán vải quần áo thời trang, gây chú ý cho người qua lại.
Phố Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) nổi tiếng là chợ bán vải thời trang lớn nhất miền Bắc. Tất cả cửa hàng ở đây đều kinh doanh quần áo và chủ yếu bán sỉ cho mọi thương lái từ các tỉnh, thành.
Gần đây, chủ các tiệm quần áo thi nhau bày ma-nơ-canh (manequin) tràn ra lề đường khiến chợ Ninh Hiệp mang màu sắc khác lạ. Nhiều người mới đến cảm thấy vừa thích thú vừa tò mò khi đếm không hết các "chân dài" mô hình chạy dài hơn 1 km dọc hai bên phố.
Chị Hương (tiểu thương) cho biết việc treo quần áo lên ma-nơ-canh không chỉ giúp lên dáng sản phẩm đẹp hơn mà còn giúp khách hàng rút ngắn thời gian lựa mẫu như treo trên mắc áo hay để trong túi nylon như truyền thống.
"Ma-nơ-canh chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với mức giá từ 1 triệu tới 3 triệu đồng/con. Chiếc nào càng nhiều chi tiết như mắt giả, lông mi, tô son... thì giá càng cao", chị Hương nói.
Những ma-nơ-canh có hình dáng, kích thước đẹp như người mẫu khoác lên mình đủ kiểu váy vóc, quần áo mốt mới nhất.
Trung bình một cửa hàng quần áo ở đây sử dụng từ 10 - 15 chiếc ma-nơ-canh. Ước tính khu vực này có hàng nghìn chiếc bày ở vỉa hè.
Ngoài ra còn có cả ma-nơ-canh trẻ em mặc quần áo phù hợp với lứa tuổi.
Một chủ cửa hàng thậm chí còn đội cả tóc giả cho ma-nơ-canh cho thêm phần sinh động và thu hút khách.
Một chủ tiệm cho biết với mức giá trung bình từ 1 - 3 triệu đồng/con, độ bền của ma-nơ-canh lại không hề cao, chỉ khoảng 1 năm là họ phải thay mới.
Chỉ cần bị gió to thổi hoặc người đi đường quệt vào là ma-nơ-canh bị đổ vỡ. "Mỗi ngày đôi lượt bê ra cất vào cũng khiến ma-nơ-canh rất dễ bị xước hay bong sơn. Việc thay mới cũng là để lên đồ không bị xấu, bẩn, nhếch nhác", tiểu thương Thuỷ cho biết thêm.
Số ma-nơ-canh cũ, xấu không thể sử dụng vẫn được gom lại để bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất với mức giá chỉ bằng 10 - 20% giá trị ban đầu.
Chỉ những con ma-nơ-canh quá cũ, xấu, hỏng hay lỗi mốt không thể sử dụng mới bị đem vứt bỏ ở bãi rác.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng cấm ở khu vực nội thành và vùng ven tỉnh Quảng Trị vẫn còn lắm gian nan. Nhiều người dùng cả ma-nơ-canh để buôn lậu.