Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 5/5 cho biết Ấn Độ chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 và 1/4 số ca tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu được báo cáo trong tuần qua.
Những ca bệnh được ghi nhận cũng tăng vọt tại các nước láng giềng của Ấn Độ, từ Nepal ở phía bắc cho đến Sri Lanka và Maldives ở phía nam. Không dừng lại ở đó, ở xa hơn trong khu vực Đông Nam Á, bệnh nhân mắc Covid-19 cũng gia tăng tại Thái Lan, Campuchia và Indonesia.
“Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu trường hợp nhiễm virus corona và 25.000 người tử vong, tăng lần lượt 19% và 48% so với số liệu từ tuần trước. Ấn Độ chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng này”, WHO cho biết.
“Cơn bão” Covid-19 quét qua các quốc gia này đã gây một áp lực khổng lồ lên hệ thống y tế khiến một số nước đã phải kêu gọi trợ giúp quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng sâu sắc.
Cùng ngày, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cảnh báo các quốc gia cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn thảm kịch đang diễn ra trên khắp châu Á.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC Alexander Matheou cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta cần phải hành động lập tức để có hy vọng ngăn chặn thảm họa nhân loại này. Virus corona tràn qua biên giới các nước và đang hoành hành khắp châu Á”.
Sri Lanka
Sri Lanka đang trải qua làn sóng Covid-19 mới kể từ giữa tháng 4, với các ca nhiễm nhanh chóng vượt qua đỉnh của đợt dịch trước vào tháng 2.
Vào ngày 8/5, quốc đảo Nam Á đã báo cáo 1.896 trường hợp mắc bệnh mới - cao gần gấp 5 lần số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày vào đầu tháng 4.
Theo Bộ trưởng Y tế Pavithra Wanniarachchi, tình trạng bệnh nhân Covid-19 gia tăng là do các cuộc tụ tập đông người để ăn mừng lễ hội Aluth Avurudda - Tết cổ truyền của người Sri Lanka vào ngày 13 và 14/4.
Trước sự kiện này, các nhà chức trách Sri Lanka tin tưởng rằng tình hình Covid-19 đã được kiểm soát, và khuyến khích công chúng ăn mừng nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Trong thông điệp chúc mừng năm mới vào ngày 12/4, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cho biết vì đại dịch đã ngăn cản Sri Lanka tổ chức lễ hội vào năm 2020 nên “năm nay tất cả hãy cùng nhau tận hưởng các lễ hội đón năm mới”.
Sri Lanka chứng kiến một sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm virus corona từ giữa tháng 4. Ảnh: CNN. |
Nhưng mọi việc có vẻ đã đi lệch quỹ đạo. Vào ngày 27/4, cả nước lần đầu tiên ghi nhận tổng cộng 1.111 ca nhiễm virus corona mới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giới chức ngay lập tức cho đóng cửa trường học và áp đặt lệnh phong tỏa tại hơn 100 khu vực trên khắp đất nước 21 triệu dân.
Tuy nhiên, các hạn chế này vẫn không thể ngăn chặn được số ca bệnh tăng lên từng ngày. Ngày 8/5, Sri Lanka buộc phải phong tỏa thêm 4 quận và 13 trên 25 khu vực hành chính thuộc diện phải thi hành lệnh đóng cửa.
Tổng thống Rajapaksa cho biết cách duy nhất để giải quyết vấn đề là mở rộng chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 600.000 liều vaccine AstraZeneca được đặt hàng từ Viện Huyết thanh Ấn Độ để hoàn thành giai đoạn hai của chương trình tiêm chủng.
Cho đến nay, chỉ có một triệu liều vaccine đã được sử dụng - tức là trong 100 người mới có 5 người được tiêm. Quá trình triển khai này chậm hơn so với Ấn Độ với tỷ lệ 12/100 người.
Ngày 6/5, Sri Lanka trở thành quốc gia láng giềng thứ ba đóng cửa biên giới với Ấn Độ, sau Bangladesh và Nepal. Các hành khách từ Ấn Độ bị cấm nhập cảnh và hải quân Sri Lanka cho biết họ đang tăng cường tuần tra để nhanh chóng tránh xa các tàu đánh cá đến từ đất nước tỷ dân.
Maldives
Maldives, một nước láng giềng khác của Ấn Độ, ngày 8/5 đã ghi nhận thêm 590 trường hợp mắc Covid-19 mới, theo Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe của nước này.
Khi các nước láng giềng khác của Ấn Độ gấp rút đóng cửa biên giới, các khu nghỉ dưỡng ở Maldives vẫn rộng cửa chào đón các ngôi sao Bollywood và những người Ấn Độ giàu có tìm cách thoát khỏi cơn khủng hoảng ở quê nhà.
Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, Maldives đã mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào tháng 7/2020 sau ba tháng đóng cửa, trở thành quốc gia đầu tiên chào đón du khách nước ngoài giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: CNN. |
Tính riêng từ đầu năm 2021, Ấn Độ trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất của quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương. Theo số liệu từ Bộ Du lịch Maldives, trong quý I năm 2021, gần 70.000 người Ấn Độ đã đặt chân đến quốc gia này, tăng gấp đôi số lượng khách du lịch Ấn Độ trong cả năm 2020.
Vào tháng 4, các quan chức Maldives công bố kế hoạch tiêm chủng cho khách du lịch nhằm thu hút du khách. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ chỉ được triển khai sau khi người dân Maldives được tiêm phòng đầy đủ. Cho đến nay, đất nước có 530.000 dân đã tiêm hơn 400.000 liều vaccine Covid-19, tương đương 76 liều trên 100 người. Chỉ có 21% dân số đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.
Hiện tại, quốc gia này đang tập trung vào việc ngăn chặn Covid-19 lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực đông dân cư như thủ đô Malé.
Giờ giới nghiêm từ 21h tới 4h sáng hôm sau đã được áp dụng tại Malé từ ngày 6/5. Các cá nhân chỉ có thể ra ngoài đường vì những mục đích thiết yếu, người giao hàng phải có giấy phép của cảnh sát.
Nepal
Nhiều người lo ngại Nepal có thể trở thành “Ấn Độ thứ hai” khi mà các ca nhiễm tăng vọt từng ngày khiến bệnh viện quá tải. Hiện tại cứ 100.000 người tại Nepal lại phát hiện 20 trường hợp mắc Covid-19 - tương đương với tỷ lệ mà Ấn Độ ghi nhận hai tuần trước.
Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Nepal - tiến sĩ Netra Prasad Timsina - phát biểu: “Những gì xảy ra ở Ấn Độ lúc này là một dự ảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta không thể ngăn chặn đợt dịch Covid-19 này”.
Tính theo tỷ lệ đầu người, Nepal có ít bác sĩ hơn so với Ấn Độ và tỷ lệ tiêm chủng cũng thấp hơn so với nước láng giềng phía nam.
Các sự kiện tụ tập đông người, cùng với sự chủ quan của dân chúng và hành động chậm chạp của chính phủ chính là nguyên nhân gây nên đợt bùng dịch lần này. Một vài người đổ lỗi cho Ấn Độ do cả hai nước có chung đường biên giới dài. Những tuần gần đây, một số người Ấn Độ đã cố gắng vượt biên với hy vọng được chăm sóc sức khỏe tại Nepal.
Thái Lan
Mặc dù là quốc gia đầu tiên báo cáo trường hợp nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc vào tháng 1/2020, Thái Lan vẫn giữ số lượng ca bệnh tương đối thấp trong năm 2020 nhờ các biện pháp phòng dịch thành công.
Tuy nhiên, Thái Lan phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong năm 2021. Sau khi ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai vào tháng 12/2020, Thái Lan đang phải vật lộn để kiềm chế đợt lây nhiễm thứ ba đã đẩy số người chết và tỷ lệ tử vong lên mức cao kỷ lục.
Chỉ trong vòng năm tuần tính từ ngày 31/3, số bệnh nhân đã tăng vọt lên gấp năm lần, đạt tới con số 76.000. Chỉ riêng ngày 9/5, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 2.101 ca mắc mới.
Đợt bùng phát này bắt nguồn từ một số địa điểm giải trí về đêm ở thủ đô Bangkok. Vào ngày 5/4, thành phố thông báo đóng cửa 196 địa điểm vui chơi giải trí trong hai tuần. Nhưng virus corona vẫn tiếp tục lây lan. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi người dân ồ ạt đổ ra đường để ăn mừng cho Tết cổ truyền Songkran của người Thái vào giữa tháng 4.
Lãnh đạo phe đối lập Wayo Assawarungruang cho biết một số bệnh viện ở Bangkok đã từ chối xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân vì không có đủ giường.
Sân vận động thể thao Chalerm Prakiat Bang Mod ở Bangkok đã được chuyển thành một bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: CNN. |
Các nhà chức trách đã thiết lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng các trung tâm thể thao, hội trường và khách sạn để tiếp nhận bất kỳ ai bị nhiễm virus, kể cả những trường hợp không có triệu chứng, nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Ngày 4/5, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch tiêm phòng cho 50.000 người sống trong một khu dân cư đông đúc ở Bangkok, sau khi phát hiện hơn 300 cư dân bị nhiễm bệnh.
Chính phủ hiện bị chỉ trích vì hành động chậm chạp trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19. Đất nước gần 70 triệu dân cho đến nay chỉ có hai liều được tiêm cho mỗi 100 người.
Campuchia
Các ca bệnh cũng đang gia tăng ở Campuchia. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng trường hợp mắc Covid-19 tăng từ khoảng 500 người vào cuối tháng 2 lên 19.237 người vào ngày 9/5.
Điều này gây ra áp lực khổng lồ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của đất nước Đông Nam Á này. Vào ngày 6/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu các bệnh nhân mắc Covid-19 với các triệu chứng nhẹ phải điều trị tại nhà, vì các bệnh viện đã không còn chỗ trống.
Vào ngày 11/4, WHO cảnh báo Campuchia đang “bên bờ vực của một thảm kịch quốc gia”.
Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan nhấn mạnh đợt bùng phát dịch bệnh đang diễn ra khác với đợt dịch trước do biến thể Covid-19 ở Anh đã được phát hiện ở Campuchia.
Đất nước 16 triệu dân mới chỉ sử dụng hơn 2,6 triệu liều vaccine, tương đương với 6,33% dân số. Ảnh: CNN. |
Để hạn chế sự lây lan của virus corona, các nhà chức trách đã áp đặt lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 15/4. Các hạn chế này được đưa ra vào giữa Tết của người Campuchia, một kỳ nghỉ lễ quốc gia kéo dài ba ngày.
Các khu vực được dán nhãn là "vùng đỏ" - nơi sinh sống của khoảng 300.000 người - đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt cấm người dân rời khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp về y tế.
Nước này đang nuôi hy vọng vào việc tiêm chủng để kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ hai. Vào ngày 1/5, quân đội Campuchia đã bắt đầu một chiến dịch tiêm phòng kéo dài một tháng cho gần nửa triệu cư dân sống tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Phnom Penh.
Indonesia
Đầu tuần qua, Bộ Y tế Indonesia xác nhận hai bệnh nhân nhiễm biến thể virus corona từ Ấn Độ - B.1.617. Trong tuần qua, đất nước 270 triệu dân này đã ghi nhận trung bình khoảng 5.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày.
Các nhà chức trách đang lo ngại về kỳ nghỉ lễ Mudik - kỳ nghỉ ăn mừng lễ Eid al-Fitr, ngày kết thúc tháng Ramadan, tháng quan trọng của người Hồi giáo. Dự kiến có hàng chục triệu người đi du lịch hoặc về quê để ăn mừng ngày lễ này.
Các công nhân chôn cất thi thể của bệnh nhân Covid-19 tại một nghĩa trang dành riêng cho những người chết vì virus corona ở Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: CNN. |
Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong các lễ hội Eid al-Fitr, chính phủ Indonesia đã cấm tất cả chuyến du lịch trong nước, bao gồm việc di chuyển bằng ôtô, xe máy, xe buýt, tàu hỏa, phà, tàu thủy và máy bay từ ngày 6/5 đến ngày 17/5.
Theo hãng thông tấn nhà nước Antara, bất chấp lệnh cấm, 18 triệu người - chiếm 7% dân số Indonesia - vẫn lên kế hoạch đi du lịch trong ngày lễ Eid al-Fitr.
Khoảng 155.000 nhân viên cảnh sát và sĩ quan quân đội đang được điều động tới các chốt chặn trên khắp đất nước để thực thi lệnh cấm và hạn chế xung quanh ngày lễ.