Đầu tháng trước, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ khách sạn nhỏ ở Hà Nội, nhận được lời mời từ một đối tác nước ngoài về một thỏa thuận hợp tác. Theo đó, đối tác này sẽ trực tiếp thuê lại khách sạn của bà Hồng.
Sau đó, họ trang bị thêm nội thất trong phòng theo tiêu chuẩn của họ. Họ sẽ đề bảng tên mới và vận hành kinh doanh. Mỗi tháng, bà Hồng không cần phải làm gì cũng đút túi số tiền hơn 100 triệu đồng.
Phân khúc tiềm năng bị bỏ ngỏ
Khác với kiểu vận hành của Airbnb cho thuê khi nhàn rỗi, đơn vị quản lý này sử dụng công nghệ tiên tiến và khiến khách hàng cảm thấy yên tâm hơn thông qua việc đảm bảo các tiện ích tối thiểu của mỗi phòng, như: máy lạnh, tivi, wifi miễn phí, chăn ga sạch, bữa sáng miễn phí, nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Các đơn vị khách sạn và chủ nhà có vai trò là bên nhận nhượng quyền, do đó họ phải vận hành theo quy chuẩn được định sẵn. Những đơn vị này đang khai thác phân khúc thị trường trẻ hơn bằng cách cung cấp dịch vụ nhanh chóng với giá cả hợp lý.
Nhà nghỉ và khách sạn bình dân tại Việt Nam đang được đại gia ngoại quan tâm. Ảnh minh họa. |
Theo chia sẻ của bà Hồng, nhiều đơn vị quốc tế khác cũng đang liên hệ với bà để hợp tác kinh doanh theo mô hình tương tự. Bà Hồng đang cân nhắc để đưa ra quyết định sớm.
“Thị trường khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ. Tại đây, những người trẻ ngày càng hứng thú với việc khám phá những vùng đất mới. Đây chính là một cơ hội tuyệt vời. Dù dòng vốn chảy vào vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, điều này cũng đang thay đổi nhanh chóng”, đại diện một đơn vị quản lý nhận định.
Công ty này hoạt động tại hơn 50 thành phố tại Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam và đang hướng tới việc chinh phục thị trường khách sạn bình dân trị giá 52 tỷ USD tại Đông Nam Á.
Đánh giá về điều này, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho hay các khách sạn 3-4 sao là phân khúc khá quen thuộc với du khách nội địa tại hầu hết quốc gia, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Phân khúc bình dân đang đứng trước nhiều cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn hạn và trung hạn. Phân khúc bình dân tuy vậy cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp, do đó nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo ông Troy, biên lợi nhuận vận hành đối với các khách sạn bình dân rất nhỏ nên hiệu quả hoạt động là cần thiết. Tuy vậy việc tăng doanh thu thông qua tăng công suất cho thuê cũng rất quan trọng. Các đơn vị vận hành quốc tế và các trang đặt phòng đem đến lợi thế này và ở quy mô mạng lưới, các thương hiệu quốc tế đem đến các khách hàng trung thành.
Nhiều ông lớn vào Việt Nam
Trong vòng một năm trở lại đây, cả hai tên tuổi trong ngành chuỗi khách sạn bình dân là Oyo và RedDoorz đều đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo Nikkei, chiến lược kinh doanh của Oyo dựa trên nguyên tắc khá đơn giản là đưa các tiêu chuẩn và quy trình chung vào những khách sạn có ngân sách eo hẹp.
Các cá nhân và gia đình điều hành khách sạn nên phần lớn đều không phát triển và thường bị các chuỗi lớn bỏ qua. Tận dụng được khoảng trống đó, đơn vị này đã tạo cho họ cơ hội hưởng lợi nhờ quy mô kinh tế bằng cách tham gia vào hệ thống nhượng quyền thương mại Oyo đang phát triển nhanh chóng.
Giá phòng của Oyo dao động từ 25 USD đến 50 USD một đêm, trong khi mức giá một đêm thấp nhất của những khách sạn lớn trên thế giới thường là 50 USD. Đổi lại, Oyo sẽ nhận phí nhượng quyền thương mại hoặc một phần doanh thu từ các chủ khách sạn.
Nhiều ông lớn đã đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Duy Hiếu. |
Tương tự, RedDoorz có trụ sở tại Singapore vừa chính thức ra mắt ở Việt Nam. Sau 6 tháng thăm dò thị trường, xây dựng cơ sở, đã có 40 khách sạn tại khắp các quận nội thành của TP.HCM, 40.000 khách hàng sử dụng dịch vụ và đã bán hơn 60.000 đêm phòng, tỷ lệ lấp đầy phòng từ 70% đến 80%.
Về cơ bản, RedDoorz là mô hình nhượng quyền khách sạn hoạt động giống Accor, nhưng RedDoorz chuyên nhắm vào khách sạn 3 sao trở xuống; sau khi xây dựng, RedDoorz chỉ phụ trách phần sale - marketing và huấn luyện - kiểm soát chất lượng, còn chủ khách sạn vẫn là người quản lý chính.
Khi một khách sạn tham gia vào hệ thống, khách sạn sẽ gắn thêm tên, đồng thời chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng từ doanh nghiệp này. Bù lại, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm quảng bá sản phẩm - làm thương hiệu, huấn luyện - tư vấn về quản lý - nhân sự, bán hàng và chăm sóc khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ.
Tỷ lệ ăn chia giữa hai bên phụ thuộc vào tiềm năng của khách sạn cũng như khả năng đàm phán của chủ khách sạn.
Sự tham gia của các đơn vị quản lý ngoại được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn doanh thu. Tuy nhiên, theo ông Troy Griffiths, khi tham gia vào thị trường Việt Nam, các thương hiệu ngoại này phải đối mặt với không ít thách thức.
Để có lợi nhuận cao hơn và thu hút nguồn cầu lớn hơn với các dịch vụ kèm theo, phát triển du lịch cần được dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị. Muốn vậy, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và cũng cần các đối tác hợp tác có năng lực, kinh nghiệm.