Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ điện lạnh Hùng Vương (địa chỉ tại lô 8 đường C, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), do ông Trần Thiện Sĩ (sinh năm1953) làm chủ. Thời gian trước đây, ông Sĩ có mối quan hệ tốt với các công ty thủy sản ở khu vực miền Tây, và đã ký kết rất nhiều hợp đồng lắp ráp các băng chuyền, kho trữ đông lên đến nhiều tỷ đồng. Với cung cách làm ăn uy tín, công ty của ông Sĩ luôn cung ứng các dịch vụ và xử lý công nợ một cách tốt nhất có thể cho đối tác.
Không may vào ngày 25/11/2012, ông Sĩ qua đời vì tai nạn giao thông, để lại nhiều công nợ. Ngoài số tiền hàng chục tỷ đồng mà các đối tác còn nợ của công ty ông, ông Sĩ cũng còn nợ tiền của ngân hàng và một số bạn hàng. Các con của ông phải trả tiền gốc, lãi mà công ty và cha đã nợ; đồng thời tiến hành xác nhận và thu hồi nợ mà các đối tác khác còn thiếu công ty. Thế nhưng gần một năm nay, các công ty thiếu nợ vẫn nại ra nhiều lý do, nhằm thoái thác trách nhiệm của mình. Quá bức xúc trước kiểu làm ăn bội tín và có biểu hiện chiếm dụng vốn của các “đại gia thủy sản” này, bà Trần Thụy Như - hiện là Giám đốc và là người đại diện hợp pháp của công ty trách nhiệm hữu hạn cơ điện lạnh Hùng Vương (con gái của ông Sĩ), đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và công luận.
Cũng trong tháng 9/2008, công ty của ông Sĩ đã lắp hệ liên hoàn ba băng chuyền cho công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản Trường Nguyên (lô 6A khu công nghiệp Trà Nóc, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) do ông Phan Quốc Trị và Lê Tùng Huy làm đại diện, với tổng số tiền lên đến gần 12 tỷ đồng. Theo công nợ, đến ngày 30/9/2013 số nợ gốc là gần 8,4 tỷ đồng và tiền lãi theo biên bản thỏa thuận thanh toán ngày 11/12/2010 và biên bản thông báo nợ quá hạn là gần 7 tỷ đồng.
Cũng là đối tác thiếu nợ, ông Phan Bá Tòng và Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (số 73/35 Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), đã mượn tiền cũng như thiếu tiền hàng sau khi lắp ráp kho trữ đông và hệ liên hoàn hai băng chuyền, với tổng số tiền lên đến gần 19 tỷ đồng. Theo xác nhận công nợ từ ông Tòng, hiện ông còn thiếu công ty của bà Như hơn 4,5 tỷ đồng.
Công ty Trường Nguyên. |
Công ty Sông Hậu. |
“Tôi cũng như những người có trách nhiệm trong công ty đã rất nhiều lần tìm đến các công ty trên để làm việc, đối chiếu công nợ và tìm cách giải quyết một cách ổn thỏa nhất. Bản thân ba tôi (ông Sĩ) và công ty của mình (công ty trách nhiệm hữu hạn cơ điện lạnh Hùng Vương) cũng còn nợ tiền của các đối tác trong việc mua trang thiết bị máy móc để lắp ráp cho các công ty trên. Đến nay chúng tôi vẫn phải trả tiền gốc và lãi hàng tháng, đối mặt với rất nhiều khó khăn. Kinh tế càng ngày càng khó khăn, việc thiếu nợ trong làm ăn là điều không tránh khỏi, nhưng với cách làm ăn thiếu uy tín và có hành vi chiếm dụng vốn như những công ty trên đã gây bức xúc và thiệt hại to lớn về kinh tế cũng như tinh thần cho bản thân và công ty của chúng tôi...”, bà Như buồn rầu nói.
Cũng theo bà Như, hầu hết các đối tác thiếu nợ tiền công ty đều hết sức chây lỳ và có thái độ khiếm nhã khi tiếp xúc. Thậm chí, họ đưa ra nhiều lý do không chính đáng, như đòi trả lại các hệ thống máy móc đã lắp ráp và đã vào sử dụng nhiều năm nay để thoái thác việc trả nợ.
Công ty Thiên Mã. |