Như vậy, tính tới thời điểm này đã có ít nhất 3 “đại gia” dầu khí tháo chạy khỏi Việt Nam.
Chính thức dừng siêu dự án lọc dầu 22 tỷ USD
Trong một văn bản mới đây gửi Ban Quản lý Khu kinh tế, lãnh đạo Bình Định đã yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng xin rút Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội ra khỏi Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025.
Trước đó, liên quan đến dự án này, lãnh đạo tỉnh Bình Định từng cho biết, đã họp chấm dứt dự án và lý do được đưa ra do dự án kéo dài quá lâu và phía Tập đoàn PTT (Thái Lan) đưa ra nhiều điều kiện Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Định không thể đáp ứng được.
Ảnh minh họa.
|
Nếu kéo dài, không biết bao giờ dự án mới thành hiện thực và chậm một ngày tỉnh Bình Định mất đi cơ hội. Do đó Ban thường vụ Tỉnh uỷ quyết định chấm dứt dự án để chờ nhà đầu tư cấp một đầu tư hạ tầng kinh tế, kêu gọi dự án khác.
Đồng thời cho rằng, dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội nếu được đầu tư sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhất là TP. Quy Nhơn vì đây là địa điểm “nhạy cảm”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2016, truyền thông nước ngoài đã đưa thông tin cho biết, Tập đoàn PTT đã hoãn kế hoạch xây dựng Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội, việc đầu tư có thể sẽ được xem xét vào cuối năm nay.
Nguyên nhân được đưa ra là do bối cảnh thị trường dầu thế giới còn nhiều biến động, và do bộ máy lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam mới thay đổi nên phía PTT cần thời gian xem xét thêm.
Trong khi, đầu năm 2016, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Nhơn Hội từng chia sẻ rằng, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan và đối tác đã xin “một cái hẹn” vào tháng 6/2016 vừa qua, sau đó mới trả lời chính thức về việc triển khai dự án với quy mô và tiến độ ra sao.
Dự án đã từng được kỳ vọng góp 40% vào GDP của tỉnh Bình Định, 3-4% GDP cả nước, và tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp. Khi mới công bố, phía nhà đầu tư từng cho biết dự kiến sẽ đầu tư tới 28,7 tỷ USD tuy nhiên, sau đó, con số vốn đầu tư rút xuống còn khoảng 22 tỷ USD.
Gazprom Neft dừng đàm phán vì “không đầu tư với mức sinh lợi thấp”
Một đại gia khác đến từ Nga - Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) hồi đầu năm cũng đã chính thức có thông báo không tiếp tục đàm phán chuyển nhượng 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Về quyết định trên, ông Alexandr Dyukov, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Nga Gazprom Neft từng chia sẻ trên tờ Sputnik rằng, Gazprom Neft sẵn sàng tham gia vào nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng hiện thời công ty không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất.
“Thoạt đầu, các điều kiện giả định lợi nhuận thích hợp với khoản đầu tư. Bây giờ phía Việt Nam chưa sẵn sàng chấp thuận cho dự án này những ưu đãi mà chúng tôi trông đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn. Chúng tôi không thể đầu tư với mức sinh lợi thấp, các cổ đông của chúng tôi cũng vậy”, ông Dyukov nói.
Trước đó, vào tháng 11/2013, Gazprom Neft và Petro Vietnam đã ký một thỏa thuận khung về các nguyên tắc chính về việc mua cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất và hiện đại hóa nhà máy này. Theo đó, Gazprom có kế hoạch mua 49% cổ phần và đề xuất phương án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư khoảng 1,5 - 3 tỷ USD.
Lặng lẽ rời dự án lọc dầu hơn 4 tỷ USD
Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu niềm Nam (Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu) trì hoãn 8 năm, trong đó có nguyên nhân, Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) đã rút khỏi dự án vào năm 2015.
Dự án do liên doanh giữa PVN, Tập đoàn SCG và Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) làm chủ đầu tư, việc Qatar rút khỏi dự án đã tác động không nhỏ đến tiến độ của toàn bộ dự án. Sau đó, phía SCG cũng cho hay, họ đã tìm được đối tác mới cho dự án, còn nhà thầu cũng đã sẵn sàng triển khai dự án, song không tiết lộ thông tin về đối tác mới này.
Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn; trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước), 66 ha đất xây dựng cảng, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD.
Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…