IATA vừa công bố báo cáo mới nhất về đà phục hồi của thị trường hàng không.
Trong đó, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia…
Hàng không nội địa Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Xuân Hoát. |
Khu vực Đông Nam Á có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.
Theo dữ liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, số lượng hành khách và sản lượng hàng hóa giai đoạn 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8%. Đáng chú ý, số lượng khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, tăng 904,6% trong khi khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt, tăng 52,6%.
Các hãng hàng không nội địa vận chuyển tổng cộng 20,1 triệu lượt khách, tăng 56,1%.
Ngoài ra, số lượng hàng hóa qua các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm ước đạt 765.000 tấn, tăng 30,6%.
Dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng số lượng khách quốc tế được dự đoán đạt 5 triệu lượt, tăng 844%, trong khi khách nội địa đạt 82,8 triệu lượt, tăng 178,4%. Sản lượng hàng hóa đạt 1,5 triệu tấn, tăng 5%.
Dù ngành hàng không đang có tốc độ phục hồi ấn tượng nhưng tình hình kinh doanh của các hãng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong báo cáo tài chính quý I của Tập đoàn FLC, hãng bay thành viên của doanh nghiệp là Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ khoảng 692 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Một hãng bay khác cũng ghi nhận lỗ là Vietravel Airlines. Tính theo khoản chia lỗ trên báo cáo tài chính quý I của Vietravel, hãng bay thành viên của doanh nghiệp lỗ khoảng 137 tỷ đồng trong quý.
Dù doanh thu phục hồi mạnh, Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 2.600 tỷ trong quý I. Với mức này, doanh nghiệp lỗ lũy kế 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160 tỷ đồng. Với việc doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.
Trái ngược với hàng không chở khách và dịch vụ hàng không, nhóm doanh nghiệp logistic hàng không vẫn đang "sống khỏe" trong dịch khi công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và công ty CP Tập đoàn ASG đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần lượt là 75 tỷ đồng, 202 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.