Hàng không tiếp diễn cuộc đua bán vé siêu rẻ
Trong khi VietJet Air và Jetstar Pacific liên tiếp tung chương trình bay giá sốc thì ông lớn Vietnam Airlines dường như đứng ngoài cuộc đua này.
Cụm từ "săn vé máy bay siêu rẻ" bắt đầu quen thuộc từ năm 2011 khi VietjetAir tung ra chương trình bán vé giá 10.000 đồng đầu tiên của hãng. Khi đó, 2.000 chiếc vé máy bay của hãng này đã mở đầu cuộc đua giảm giá vé sốc liên tiếp của 2 hãng hàng không giá rẻ nhất tại thị trường Việt Nam là VietJet Air và Jetstar Pacific.
Trong tháng cuối năm 2012, sau khi VietjetAir cho biết sẽ dành 100.000 vé máy bay giá 10.000 đồng cho các chặng bay nội địa trong 3 tháng cuối năm thì Jetstar Pacific cũng gây "sốc" khi tung ra đợt bán vé chỉ 1 đồng một chặng (chưa tính phí và thuế) vào ngày 5/12 vừa qua. Vé giá 1 đồng được mở bán từ 14h đến 17h ngày 5/12 tại trang web bán vé của hãng, áp dụng cho các chuyến bay khởi hành trong các giai đoạn từ 4/3 đến 15/4/2013 và 7 đến 15/5/2013. Đến cuối chương trình, Jetstar đã bán được hơn 7.100 vé.
Cụm từ "vé máy bay giá 10.000 đồng" của Vietjet Air đã trở nên phổ biến khắp cộng đồng mạng. |
Cũng giảm giá vé, nhưng cái tên Vietnam Airlines và Air Mekong mất hút trong các chương trình "săn mua vé giá rẻ" của cộng đồng mạng. Các chương trình bán vé giá rẻ, giảm 50% giá ... vẫn không thể kéo chi phí bay của khách hàng với các hãng này xuống dưới 200.000 đồng một chặng. Mới đây, Vietnam Airlines đưa các chương trình giảm 50% giá vé nhưng giá 1 chiều thấp nhất trên đường bay Hà Nội và TP HCM của hãng vẫn trên 1,1 triệu đồng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Air Mekong khi hầu hết giá vé của hãng hàng không này vẫn tính tiền trăm.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, không thể so sánh chính sách bán hàng cả các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines với các hãng giá rẻ như Jetstar Pacific và VietJet Air. "Giá vé của hãng hàng không truyền thống ngoài vé cơ bản còn có chi phí đi kèm như suất ăn, vật dụng, dịch vụ đọc báo và giải trí khác. Trong khi đó, báo giá của các hãng hàng không giá rẻ chỉ là chi phí hành trình bay cơ bản Starter, còn các dịch vụ khác, khách hàng sẽ tự trả tiền nếu có nhu cầu sử dụng".
"Nói đơn giản như việc đưa một tờ tạp chí lên máy bay phục vụ khách hàng, trong khi giá trị của tờ tạp chí là rất nhỏ thì các chi phí đi kèm đối với hãng hàng không như lấy báo, sắp xếp người đưa báo, lương nhân công... là khá lớn. Hàng không giá rẻ cạnh tranh chủ yếu bằng giá nên hầu như cắt bỏ dịch vụ này, trong khi các hãng truyền thống có thể biến những điều nhỏ như vậy thành một nét văn hóa riêng. Ngoài ra, trong khi hàng không giá rẻ nhắm vào nhóm khách hàng thu nhập thấp hoặc đi bằng tiền túi, thì nhóm khách hàng thương gia, những người có thu nhập cao lại được hàng không truyền thống ưu tiên khai thác", chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện truyền thông của Jetstar Pacific cho biết việc đưa vé giá rẻ vào cơ cấu vé đã được hãng thực hiện từ lâu và thường xuyên vào thứ 6 hàng tuần, theo đúng cam kết của hãng là làm cho ngày càng nhiều người Việt Nam có cơ hội đi máy bay. Lý giải về mức giá "tượng trưng" 1 đồng, ông Sỹ cho biết Jetstar không đặt lợi nhuận cho chương trình này dù nếu tính tổng chi phí, khách hàng phải trả gần 100.000 đồng cho một chiếc vé như vậy.
Đồng quan điểm trên, đại diện một hãng hàng không giá rẻ khác cũng cho biết nhóm khách hàng mục tiêu của họ là những người nhạy cảm về giá. "Đặt được mức giá rẻ như vậy cũng là do thời điểm bán vé và khởi hành cách xa nhau, hãng sẽ lên được kế hoạch cho chuyến bay, nhờ đó tiết kiệm một số chi phí phát sinh bất thường", vị này cho hay.
Hạ Minh
Theo Infonet