Là loại hình vận chuyển đặc thù nên trong dịp lễ, tết, các doanh nghiệp (DN) hàng không vẫn phải bán giá theo khung cước được Cục Hàng không quy định, không được tăng giá. Tuy nhiên, lấy lý do chuyến bay lệch đầu ít khách, giá vé máy bay tết đều được các hãng đẩy lên mức khung cao nhất cho các chuyến bay khởi hành từ TP.HCM, Hà Nội đi các tỉnh.
Tự ý tăng mức trần?
Hiện tại, bốn hãng hàng không bao gồm VASCO, Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific đều hoạt động theo mức trần mà Cục Hàng không quy định. Cụ thể, theo Công văn số 5859 do Cục Hàng không ban hành ngày 7/12/2011, quy định rõ năm nhóm cự ly vận chuyển với từng mức giá tương ứng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Cũng trong công văn này, tại mục 2, quy định rõ các hãng hàng không cần phải kê khai giá lần đầu theo mức trần khung giá cước không vượt quá mức quy định giá đưa ra. Bên cạnh đó, Cục Hàng không kèm theo danh mục nhóm đường bay để các hãng có mức giá phù hợp. Nhưng thực tế, đã có hãng không tuân theo quy định này.
Lấy lý do chuyến bay lệch đầu ít khách, giá vé máy bay tết đều được các hãng đẩy lên mức khung cao nhất cho các chuyến bay khởi hành từ TP.HCM, Hà Nội đi các tỉnh. |
Khách hàng Trần Vinh Phát (TP.HCM) do không đặt được vé Vietnam Airlines từ Sài Gòn đi Quy Nhơn đành bấm bụng chọn mua vé từ hãng giá rẻ VietJet Air với giá khá cao là 2.513.000 đồng (bao gồm lệ phí, phí) cho vé bao gồm 15 kg hành lý. Giá vé này, khá cao so với giá vé hạng M của Vietnam Airlines, vốn chỉ 2,2 triệu đồng bao gồm 20 kg hành lý.
Trong khi đó, Công văn 5859 quy định đường bay TP.HCM - Quy Nhơn trong danh mục ở số thứ tự 33 và mức giá cước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) sẽ không quá 1.940.000 đồng. Như vậy, giá vé mà anh Phát mua cao hơn nhiều so với quy định.
Tương tự cho đường bay TP.HCM - Đà Nẵng. Xét ở thứ tự 31, giá vé từ Jetstar Pacific cao nhất (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí và lệ phí) là 1,9 triệu đồng. Nhưng Jestar Pacific lại bán với giá 2.050.000 đồng. Giá vé mà VietJet Air cung cấp còn cao hơn cả Vietnam Airlines.
Giá rẻ tính chung thành giá mắc
Bên cạnh đó, các mức phí dịch vụ đi kèm được các hãng đẩy lên khá cao ảnh hưởng không nhỏ đến giá vé. Nếu như ngày thường, loại giá M (phổ thông linh hoạt theo quy định của Vietnam Airlines) được thay đổi thời gian bay miễn phí và có hạn dùng một năm kể từ ngày xuất vé. Nhưng trong giai đoạn cao điểm, Vietnam Airlines chỉ duy nhất bán loại giá vé này kèm theo điều kiện thay đổi sẽ phải mất phí 600.000 đồng/vé.
Tương tự, VietJet Air và Jetstar Pacific dù vận hành theo hàng không giá rẻ nhưng mức giá mà hãng áp dụng (chưa bao gồm phụ phí và hạn chế hoàn đổi) ngang ngửa và thậm chí là cao hơn hẳn so với mức giá của Vietnam Airlines.
Đơn cử như VietJet Air, hãng này còn bị cho là tự ý nâng phí phục vụ hành khách nội địa. Cụ thể, đường bay đi từ Quy Nhơn, Vietnam Airlines vẫn luôn áp dụng mức phí 50.000 đồng/hành khách (cho hành trình Quy Nhơn - TP.HCM và Quy Nhơn - Hà Nội vì Quy Nhơn thuộc sân bay nhóm B). Trong khi đó, VietJet Air lại ban hành mức 60.000 đồng, tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất thuộc nhóm A (bao gồm Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phú Quốc, Phú Bài…).
Mức phí ban hành này được áp dụng từ 30/12/2012, trong khi chưa có quy định tăng giá từ Cục Hàng không Việt Nam.