Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng không giá rẻ, nỗi ám ảnh sau những thảm họa

Hàng không giá rẻ giúp nhiều doanh nhân giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, những tai nạn và sự cố gần đây khiến ít nhiều nhà đầu tư và hành khách lo ngại.

Những vết đen

Hơn 10 năm kể từ khi đi vào hoạt động, hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới AirAsia của Malaysia chưa hề xảy ra tai nạn nào, và là một trong số ít các hãng được phép bay đến các quốc gia EU.

Tuy nhiên, vụ mất tích của chiếc máy bay Airbus mang số hiệu A320-200, được điều hành bởi AirAsia Indonesia - hãng bay mà AirAsia sở hữu 49% cổ phần đang góp phần làm dấy lên nỗi lo ngại về độ an toàn đang thấp dần của ngành hàng không nói chung và hàng không giá rẻ nói riêng.

Sự việc xảy ra với AirAsia và những thảm họa cũng như sự cố gần đây gây ra không ít hoang mang, và tâm lý sợ đi máy bay.

Trước đó, hồi giữa tháng 9/2007, hãng hàng không giá rẻ One-Two-Go thuộc Hãng Orient Thai Airways đã chứng kiến một tai nạn thảm khốc với chiếc phi cơ mang số hiệu OG 269 tại sân bay Phuket, khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Hãng hàng không hãng dân dụng tư nhân TransAsia Airways của Đài Loan trong 13 năm qua đã ghi nhận 8 vụ tai nạn các loại, bao gồm cả vụ việc ngày 23/7/2014 khiến 48 người thiệt mạng, trong đó có 6 vụ liên quan đến ATR-72, một loại máy bay hạng nhỏ hoạt động trên những tuyến đường ngắn.

Hàng loạt sự cố hy hữu, như vụ máy bay đáp nhầm sân bay hồi tháng 6 hay sự cố “bay lòng vòng 10 phút trên bầu trời” hồi cuối tháng 7 của những hãng hàng không mệnh danh giá rẻ ở Việt Nam... cũng khiến hành khách thường xuyên phải đi máy bay giật mình.

Thực tế cho thấy, hàng không giá rẻ trong nhiều năm qua đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhờ khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng con đường hàng không vốn còn rất nhiều tiềm năng, và mới chỉ khai thác được một phần nhỏ.

Ông chủ của AirAsia, Tony Fernandes, đã giàu lên nhanh chóng khi mua lại AirAsia thua lỗ từ một tập đoàn nhà nước Malaysia, với giá gần như cho không và đã nhanh chóng trở thành tỷ phú sau hơn một thập kỷ tấn công vào nhóm đối tượng hành khách bình dân, trọng tâm là những người chưa từng một lần đi máy bay.

Tại châu Á, khá nhiều hãng hàng không giá rẻ cũng đang nổi lên mạnh mẽ và cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không quốc gia, vốn có vị thế và lịch sử hoạt động lâu dài. Không những thế, khách hàng mục tiêu cũng được nới dần ra, không còn thuần túy là khách hàng bình dân như trước.

Đầu tư hàng không và bài toán rủi ro

Rất nhiều vụ tai nạn hàng không bí hiểm xảy ra trong năm 2014 cho thấy một thực tế: đầu tư vào lĩnh vực hàng không hay cổ phiếu hàng không, kể cả hàng không giá rẻ, là khá mạo hiểm và không dễ dàng, nhất là khi nếu xảy ra tai nạn thường rất thường thảm khốc, khó có cơ hội sống sót nên dư luận dễ bị chấn động mạnh.

Hầu hết các hãng hàng không đều có doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận rất nhỏ bé. Hiệu quả kinh doanh nói chung thấp do các chi phí tăng cao, nhất chi phí điều hành, chi phí tài chính và các chi phí liên quan tới việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.

Số lượng hành khách đi AirAsia lên tới 8 triệu người trong năm 2013.

Số lượng hành khách đi AirAsia lên tới 8 triệu người trong năm 2013.

Với một số hãng hàng không giá rẻ hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển nhanh chóng của nhiều nền kinh tế và sự bùng nổ của du lịch đã giúp các ông chủ đã thu lời nhanh chóng trong vài năm gần đây, nhờ “đánh” vào số lượng lớn nhu cầu đi lại của tầng lớp bình dân.

Trong một động thái mới nhất, AirAsia của ông Tony Fernandes dự kiến từ giữa tháng 1/2015 tới sẽ tung ra “vé tháng” giống như xe buýt, cho phép khách du lịch có thể di chuyển tới 10 điểm khác nhau trong Đông Nam Á trong một tháng với giá 499 ringgit (148 USD), chưa bao gồm thuế sân bay. Với thị phần khoảng 25% trong khu vực châu Á và đang có xu hướng tăng lên, các ông chủ hàng không giá rẻ đang rầm rộ đầu tư cho đội bay mới.

Trường hợp AirAsia, bắt đầu tư 2 chiếc máy bay cũ, giờ hãng đã có cả trăm chiếc, với gần 100 điểm đến. Số lượng hành khách đi hãng này lên tới 8 triệu người trong năm 2013.

Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào hàng không giá rẻ ở nhiều nước, trong vài năm qua khiến sự cạnh tranh trong khu vực châu Á ngày càng trở nên khốc liệt. Nỗ lực xoay sở của các hàng hàng không quốc gia cũng khiến thị trường trở nên khó thở hơn.

Theo thông báo từ AirAsia, lợi nhuận ròng quý III của hãng giảm 85% xuống chỉ còn 1,6 triệu USD, do chi phí điều hành và chi phí tài chính tăng cao. Quyết định tung ra chiến dịch “vé tháng” như xe buýt nói trên là cách mà Tony Fernandes muốn gia tăng doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh hàng không giá rẻ ngày càng gay gắt như hiện nay.

Mặc dù vậy, với sự biến mất của QZ8501, nhiều khả năng mục tiêu tăng doanh thu của AirAsia sẽ khó trở thành hiện thực. Trường hợp xấu nhất, chi phí bồi thường - theo hãng tin Reuters, lên tới cả 100 triệu USD, đều được bảo hiểm chi trả, nhưng lượng khách sẽ bị sụt giảm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu AirAsia đã giảm 12% và có thể còn giảm nữa, phụ thuộc vào tốc độ tìm kiếm máy bay, khả năng quan hệ công chúng của AirAsia và lỗi lầm, sai phạm thực tế có hay không trong vụ việc đáng tiếc nói trên.

Điều mà nhiều nhà đầu tư thực sự lo ngại là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sự cố đáng tiếc về an toàn bay trong lĩnh vực hàng không, cũng như những tai nạn đầy bí ẩn trên bầu trời và dưới biển, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều nơi, giữa nhiều nước, nhiều nhóm nước.

Hàng không Việt tăng cường bảo dưỡng máy bay sau vụ QZ8501

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết yêu cầu các hãng hàng không nội địa tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì máy bay.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/214529/hang-khong-gia-re--noi-am-anh-sau-nhung-tham-hoa.html

Theo Văn Minh/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm