Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hàng hoá Việt sang Canada sẽ tăng nhanh sau TPP'

Bộ trưởng Thương mại quốc tế bang British Columbia (Canada), Teresa Wat, đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng của Canada sau TPP.

Có mặt ở buổi khai trương "Tháng Ẩm thực Canada” ở TP HCM tối 10/11, bà Wat đã dành cho Zing.vn cuộc trao đổi riêng.

- Bà là bộ trưởng thương mại đầu tiên từ Bắc Mỹ đến Việt Nam sau khi hoàn tất TPP. Lý do của chuyến thăm này?

- Là bộ trưởng thương mại quốc tế, tôi rất quan tâm đến thị trường ASEAN, đặc biệt sau khi kết thúc đàm phán TPP. Việt Nam là một trong 4 nước ASEAN trong TPP và là thị trường rất quan trọng khi có 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu.

Đây là thị trường mà chúng tôi nhắm đến, đặc biệt cho sản phẩm nông nghiệp như hải sản, táo ambrosia, trái việt quất... Chúng tôi cũng có các loại rượu vang rất nổi tiếng. Ở đây mọi người chủ yếu biết rượu Chile, Pháp nhưng còn ít người biết rượu của Canada cũng rất ngon.

Hôm nay, tôi mới có cuộc gặp với bà Nguyễn Thị Hạnh, ​Tổng giám đốc Saigon Co.op. Bà Hạnh nói rằng sản phẩm của chúng tôi tốt nhưng chưa nhiều người biết vì quảng bá còn ít. Tôi tin là khi làm đủ quảng bá thì mọi người sẽ thích sản phẩm từ Canada.

Bộ trưởng thương mại Thương mại quốc tế bang British Columbia (Canada).

Bộ trưởng Thương mại quốc tế bang British Columbia (Canada). Ảnh: Hải An.

- Kim ngạch thương mại giữa British Columbia và Việt Nam hiện nay ra sao?

- Năm 2011, xuất khẩu của bang British Columbia sang Việt Nam mới đạt 49 triệu đôla Canada. Tới năm 2014, con số này đã tăng gấp đôi lên trên 100 triệu đôla và trong năm nay con số này tăng ít nhất 10%. Chúng tôi thấy có nhiều nhu cầu từ Việt Nam với đồ nông sản và hải sản có chất lượng của Canada.

- Sau khi TPP hoàn tất, kim ngạch thương mại này sẽ thay đổi thế nào?

Chắc chắn là sẽ tăng nhiều. Hầu hết các dòng thuế với hải sản, nông sản, lâm sản hiện đang ở mức 10-40%. Theo tôi hiểu, sau 3 năm các dòng thuế này sẽ bị loại bỏ và khi đó xuất khẩu từ Canada cũng như ngược lại sẽ phát triển rất mạnh.

- Đâu là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Canada?

- Các bạn có mặt hàng cà phê chất lượng, các mặt hàng gạo và một số nông hải sản nhiệt đới mà chúng tôi cũng có nhu cầu. Tôi tin chắc là hàng hoá từ Việt sang Canada cũng sẽ tăng rất nhanh sau TPP.

Vancouver và vùng British Columbia nằm ở rìa Thái Bình Dương nên mọi sản phẩm xuất khẩu tới Canada đều đi qua đường này. ​Chúng tôi có hai cảng nước sâu ở đây và là tuyến đường ngắn nhất từ Canada tới châu Á.

Bộ trưởng thương mại quốc tế British Columbia và đầu bếp Nathan Fong trong buổi khai trương
Đầu bếp nổi tiếng của Canada - Nathan Fong trong buổi khai trương "Tháng Ẩm thực Canada tại Việt Nam". Ảnh: Hải An.

- Nói cách khác, Vancouver và British Columbia là cầu nối giữa Việt Nam và Bắc Mỹ?

- Luôn luôn là cầu nối. Với nền kinh tế thế giới ngày càng dịch chuyển sang Thái Bình Dương, British Columbia coi bản thân mình là một phần của nền kinh tế này. Chúng tôi có thể là cầu nối cho hàng hoá từ châu Á tới Bắc Mỹ và ngược lại. Đặc biệt là trong 10 năm qua British Columbia có rất nhiều người nhập cư châu Á đến và giờ chiếm ¼ dân số chúng tôi.

Ví dụ các sản phẩm hạch quả và việt quất ở đây do một công ty của người Việt làm chủ. Anh ta từ Việt Nam nên hiểu thị trường và có các mối liên hệ. Như vậy người nhập cư này có thể đóng vai trò kết nối kinh tế giữa Việt Nam - Canada. Chúng tôi rất may là có khoảng 36.000 người Việt đang sống ở British Columbia.

Do văn hoá kinh doanh Bắc Mỹ và Việt Nam khác nhau, những người Việt này có thể giúp những công ty Canada xuất khẩu hay nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.

Buổi khai trương “Tháng Ẩm thực Canada” tối 10​/11 là dịp quảng bá giao thương các sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước với sự xuất hiện của đầu bếp nổi tiếng Nathan Fong. Anh là một trong những đầu bếp hàng đầu của Canada, trình diễn món ốc vòi voi có tiếng của nước này trong tối qua.

Theo đại sứ quán Canada tại Việt Nam, từ tháng 9/2014 đến tháng 8/2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN với tổng kim ngạch song phương đạt mức 4,4 tỷ đôla Canada.


TPP: Mỏ vàng hay bánh vẽ?

GDP, xuất khẩu, việc làm... của Việt Nam được dự báo sẽ tăng khi vào TPP. Tuy vậy, những lợi ích thực tế có thể đạt được như dự báo hay không lại là chuyện khác.

Thanh Tuấn thực hiện

Bạn có thể quan tâm