Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH MTV Vietstar.
Theo đó, doanh nghiệp này được thành lập vào cuối tháng 6/2016 tại TP.HCM với số vốn là 300 tỷ đồng. Cục Hàng không cho hay hồ sơ của công ty đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách.
Hiện chưa có hãng hàng không nội địa nào khai thác thị trường hàng hóa quốc tế, nội địa bằng tàu bay chuyên dùng. Ảnh: Hoàng Anh. |
Thị trường mục tiêu của họ là trục nội địa Bắc Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á với vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Việc thành lập hãng hàng không theo doanh nghiệp là để tạo ra một công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hàng không song song với các đơn vị trong hệ thống như: CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt và CTCP Kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt.
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết hiện ông chưa nhận được báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của công ty này.
“Chắc các Vụ chức năng đang xem xét trước khi trình. Nếu họ đủ điều kiện, thủ tục thì Bộ phải đồng ý thôi”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Nếu được cấp phép, Vietstar dự kiến cất cánh vào năm 2017 với đội bay gồm 7 chiếc trong đó có 5 máy bay vận chuyển khách (Airbus A320, A321, Boeing 737), 2 máy bay vận chuyển hàng hóa chuyên dụng loại Boeing737 – 300 Freighter.
Dự kiến, doanh nghiệp sẽ vận chuyển được 0,561 triệu lượt hành khách và 32.000 tấn hàng hóa ngay trong năm đầu bay. Đội bay của họ sẽ tăng lên 19 chiếc trong đó có 9 Boeing 737 – 300 Freighter vào năm 2020.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, rất khó để nói trong những năm đầu đầu tư vào ngành hàng không, công ty có thu được lợi nhuận ngay hay không bởi điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý, tính toán các chi phí đầu tư, khả năng quản trị của doanh nghiệp.
Cũng theo vị này, nếu chỉ nhìn vào tổng số vốn điều lệ chưa thể biết được doanh nghiệp đó sẽ chọn phân khúc nào, giá rẻ hay cao cấp, nhưng ông lưu ý dù là ai, doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo quy định, trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng về việc này.
Tính đến quý I/2016, ở Việt Nam có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Viet Jet. Tất cả đều đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, dịch vụ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên các chuyến bay chở khách.
Hiện chưa có hãng hàng không nội địa nào khai thác thị trường hàng hóa quốc tế, nội địa bằng tàu bay chuyên dùng.