Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hãng hàng không bikini' của Việt Nam sẽ IPO vào quý II/2016

Bloomberg đưa tin, nuôi tham vọng trở thành "Emirates của châu Á", Vietjet Air dự định sẽ thực hiện kế hoạch IPO vào quý II/2016, 30% vốn có thể được bán cho đối tác ngoại.

"Hãng hàng không bikini" của Việt Nam là danh từ được Bloomberg dùng để gọi Vietjet Air trong bài viết mới đây về kế hoạch IPO của công ty này. Theo đó, Vietjet Air có thể sẽ thực hiện kế hoạch IPO vào quý II/2016, trong đó sẽ bán ra 30% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài - mức tối đa mà Chính phủ cho phép.

Đây là một trong những động thái, theo Vietjet Air, sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của hãng bên cạnh kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay, nhằm đưa Vietjet Air trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Á.

"Hãng hàng không Bikini" của Việt Nam nuôi tham vọng trở thành một "Emirates của châu Á". Ảnh: Bloomberg.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam - cho biết thời điểm IPO cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường trong nước và thế giới. Số vốn dự kiến huy động cũng chưa được công bố.

"Chúng tôi có kế hoạch đưa Vietjet Air trở thành hãng hàng không toàn cầu. Nhìn vào Emirates, một hãng hàng không của một quốc gia với dân số nhỏ mà giờ đây lại trở thành một biểu tượng hàng không thế giới, chúng tôi cũng muốn đưa Vietjet Air trở thành Emirates của châu Á", bà Thảo nói với Bloomberg trong bài phỏng vấn hôm thứ 6 vừa qua.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vietjet Air, hãng hàng không này đã vận chuyển được khoảng 9,3 triệu lượt khách vào năm 2015, tăng 66% so với năm 2014. Doanh thu tăng tới 205%, đạt 10.900 tỷ đồng (tương đương 488 triệu USD) trong khi lợi nhuận ròng là 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay, hãng bay này sẽ tăng gấp đôi doanh thu, với lượng khách vận chuyển dự kiến đạt 15 triệu lượt.

CAPA dự báo, năm 2016, Vietjet Air có thể vượt mặt Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không dẫn đầu thị phần nội địa. Trong khi đó, Việt Nam có thể sớm trở thành một trong 10 thị trường hàng không phát trển nhất thế giới trong vòng 2 thập kỷ tới, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế dự báo.

"Việt Nam là thị trường lý tưởng cho các hãng hàng không giá rẻ", Brendan Sobie, chuyên gia phân tích của CAPA ở Singapore cho hay. "Điều đó cũng khiến Vietjet Air trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, bởi tính cạnh tranh và rủi ro hiện không cao".

Trong đánh giá của riêng mình, Vietjet Air cho rằng thị trường hàng không trong nước tăng trưởng tới 20% trong vòng 3 năm qua. Tháng trước, Vietjet Air đã ký một hợp đồng trị giá 3,04 tỷ USD với Pratt & Whitney để đặt mua động cơ cho 63 chiếc Airbus A320neo và A321neo mà hãng đã mua năm ngoái. 

Theo kế hoạch, hãng sẽ tăng số lượng máy bay lên 42 chiếc vào cuối năm nay, trước khi đạt đủ 100 chiếc vào năm 2020. Đồng thời, mạng lưới đường bay trong năm nay cũng sẽ được mở rộng tới Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản.

"Chúng tôi đã sẵn sàng bước lên một nấc thang phát triển mới, sẵn sàng tiếp nhận những vận hội mới của quá trình hội nhập của đất nước mang lại", bà Thảo chia sẻ.

Tuy vậy, kế hoạch vươn tầm ra thế giới của Vietjet Air được đánh giá có thể sẽ gặp nhiều thách thức, bởi các thị trường mới đem tới nhiều rủi ro hơn. Trong khi Vietjet Air rõ ràng không thể lần thứ 2 có được vị thế tiên phong như những gì hãng đang có tại Việt Nam.

Kế hoạch IPO của Vietjet Air được công bố cũng trùng với thời điểm chỉ số chứng khoán hàng không châu Á của Bloomberg giảm 14% kể từ đầu năm 2016, sau khi đã đạt mức tăng 19% vào năm ngoái. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á và Việt Nam nói chung chưa khởi sắc trở lại sau đợt bán tháo và giảm giá mạnh mẽ vừa qua.

Bộ trưởng Thăng: 'Giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ'

Nghe báo cáo tổng kết của Vietnam Airlines với nhiều con số lợi nhuận hấp dẫn, Bộ trưởng Thăng nói Vietnam Airlines lợi nhuận cao như thế thì giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm