Chị Lê Thị Minh ở Hà Nội cho biết, trong ví chị hiện nay có tới 5 loại thẻ ngân hàng nhưng chị chỉ dùng 1 thẻ ATM để rút tiền lương. 4 loại thẻ còn lại hầu như không sử dụng đến chủ yếu là do thói quen thanh toán bằng tiền mặt.
Thực tế, trường hợp của chị Minh không phải là hiếm thấy. Gần đây, nhiều người dân cũng cho biết họ nhận được rất nhiều lời đề nghị làm thẻ ngân hàng với những tiện ích thuận lợi nhưng sau khi thẻ làm xong thì hầu như không sử dụng đến.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (tương đương gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng, trong khi đó số lượng thẻ phát hành như đã nêu ở trên lên đến 86 triệu thẻ, cao hơn gấp 4 lần.
Như vậy, thực tế này đã cho thấy số lượng thẻ thực sự hoạt động thấp hơn nhiều so với số thẻ đã phát hành.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Lợi, Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn), các ngân hàng phát hành thẻ thanh toán rất nhiều nhưng giao dịch vẫn ít do số lượng thẻ có hoạt động chỉ chiếm khoảng 50% số lượng phát hành.
Ông Lợi cho biết, người tiêu dùng lo sợ chất lượng hàng hóa giao dịch thương mại điện tử không đúng như quảng bá. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán chưa ổn định khiến tỷ lệ giao dịch không thành công khá nhiều. Ngoài ra còn có một số hành vi như gian lận trong giao dịch trực tuyến chưa được xử lý triệt để khiến người dùng không yên tâm trong thanh toán điện tử.
Còn ông Lê Văn Tuyên, Trưởng phòng Phát triển thanh toán điện tử (Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước), cho rằng thời gian qua, cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh về các mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, hệ thống thanh toán Việt Nam còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là trong khu vực dân cư. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước.
Ảnh minh họa. |
Theo ông Tuyên, các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là độ bao phủ dịch vụ ngân hàng chưa đồng đều; dịch vụ thẻ được thiết kế chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế.
Hiện thị trường có gần 8 triệu thẻ thanh toán quốc tế đang lưu hành với nhiều dòng sản phẩm có tính năng đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng, nhưng vẫn chưa được phổ cập đến đông đảo người dân.
Trong khi đó, 90% thẻ nội địa còn lại được sử dụng rộng rãi nhưng lại không có nhiều dòng sản phẩm, các ngân hàng đều phát hành các loại thẻ có chức năng na ná nhau, tính năng hạn chế.
Theo ông Tuyên, đang có một sự lãng phí rất lớn, vì nếu chỉ tính trung bình chi phí phát hành một thẻ ở mức 60.000-100.000 đồng/thẻ (tùy từng loại thẻ), thì với hàng chục triệu thẻ không được sử dụng đã lãng phí số tiền không nhỏ.
Đó là chưa kể trên thực tế, phần lớn thẻ ngân hàng đang hoạt động cũng lại ít sử dụng những dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng mà chủ yếu để rút tiền mặt ở máy ATM. Nếu người sử dụng chỉ dùng thẻ để rút tiền thì ngân hàng không chỉ không có cơ hội gia tăng doanh thu dịch vụ, mà còn rất lãng phí trong đầu tư công nghệ và các dịch vụ liên quan.
Các chuyên gia cũng nhận định việc nâng cao tính hiệu quả đối với các dịch vụ thẻ còn góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm dùng tiền mặt trong thanh toán, thay đổi được hành vi của người tiêu dùng. Và để người tiêu dùng Việt Nam chuyển từ thói quen dùng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ thì việc sử dụng cũng như thanh toán qua thẻ trước tiên phải tiện ích và tiện dụng.
Về định hướng, giải pháp phát triển thanh toán điện tử đến năm 2020, ông Lê Văn Tuyên cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai, hoàn thành xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Cùng với đó là nghiên cứu, xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) tại Việt Nam; nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022 đối với hệ thống hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), hệ thống ACH và các hệ thống bán lẻ khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thành xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa và xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam với lộ trình thích hợp.
Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng thanh toán trực tuyến ngày càng phổ cập trên toàn cầu và sự phát triển đó có vai trò quan trọng của công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu không nắm bắt được xu thế mới, các ngân hàng Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau, chịu sức ép cạnh tranh lớn khi những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên chính thức có hiệu lực.
Theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ, tăng 30% so với cuối năm 2013, trong đó gần 90% là thẻ nội địa, 10% là thẻ quốc tế. Mặc dù số lượng thẻ ngân hàng phát hành tại Việt Nam đạt mức độ tăng trưởng tốt, nhưng lại đang có dấu hiệu lãng phí do không khai thác một cách hiệu quả.