Tình trạng sạt lở đất diễn ra tại ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) khiến người dân hoang mang. Địa điểm sạt lở nằm sát bờ sông Đồng Nai và có ít nhất 16 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó có miếu thờ, nhà văn hóa ấp cùng công trình nhà ở, chuồng trại của 6 hộ bị đổ sập. Số còn lại nứt toác và chịu tác động bởi sụt lún đất nền.
Phần sau của nhà văn hóa ấp 1 xã Tân An bị đổ sập phần sau. Ảnh: Ngọc An. |
Bà Hồ Thị Minh Thiện cho biết, những năm trước, khu vực sông Đồng Nai qua địa bàn xảy ra nạn khai thác cát trái phép. Kể từ đó, bờ sông tại ấp 1 có biểu hiện xói lở. Bà nói: “Ngày xưa gia đình xây trại nuôi heo ở sau nhà, cách sông 10 m. Bây giờ tất cả đã đổ sập xuống sông”.
Theo bà, sáng 26/6 là thời gian kinh hoàng khi hàng loạt công trình bị đổ. Khi mọi người đang ở trong nhà thì thấy mái tôn, xà gồ thép bị xê dịch, nhà rung lắc dữ dội. Lúc họ chạy ra đường phía trước thì mọi cái bắt đầu đổ sập.
"Trại nuôi heo được xây dựng kiên cố nhưng trong tích tắc sụt xuống 2 m so với đất nền. Các bức tường vỡ nát, mái tôn bị đổ sập. Tôi nhìn về nhà văn hóa ở bên cạnh thì thấy công trình đang dần dần lún xuống. Chỉ mấy phút sau, nhà này bị gãy đôi", bà Thiện nói.
Trang trại nuôi heo của gia đình bà Thiện bị đổ sập. Ảnh: Ngọc An. |
Một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nề là gia đình chị Lâm Thị Ngọc Dung. Người này cho biết cả nhà sinh sống trên mảnh đất ven sông nhiều năm. Khi căn nhà cũ xuống cấp, họ tích góp tài sản, vay mượn bạn bè để cất ngôi nhà ở phía sau với số tiền trên 200 triệu đồng. Chuyển sang ở chưa được bao lâu thì gặp thảm họa.
Căn nhà của chị Dung xây trên nền đất cách sông khoảng 10 m. Công trình và phần đất phía sau không sập hẳn xuống sông mà chỉ sụt xuống so với bề mặt khoảng 2 m. “Hôm xảy ra sập, cả nhà kịp thoát ra ngoài nên không ai bị thương. Bây giờ chúng tôi phải sống tạm ở gian nhà cũ phía trên”, chị Dung cho biết.
Theo người dân, tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đất vườn ven sông của nhiều hộ dân xuất hiện những vết rạn nứt kéo dài nhiều mét.
Công trình nhà ở của một hộ dân nứt gãy, chờ đổ sập. Ảnh: Ngọc An. |
"Những đêm mưa là những đêm mất ngủ vì sợ lở đất. Nhà cách sông cả chục mét nhưng biết đâu được. Một khi đã xảy ra đổ sập, chúng tôi không chỉ thiệt hại tài sản mà có thể phải bỏ mạng. Bám trụ ngày nào, phải 'cá cược' mạng sống ngày đó”, một người lo lắng.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu phối hợp xã đã tổ chức khảo sát để đưa ra phương án xử lý. Ông này thừa nhận sông Đồng Nai qua xã từng xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Ông nói: “Hiện tại, nạn hút cát không còn. Vấn đề sạt lở chưa thể xác định nguyên nhân là hút cát hay do tác động của dòng chảy”.
Theo vị chủ tịch xã, huyện Vĩnh Cửu xây dựng khu tái định cư tại xã Tân An để di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Ông Hoàng cho biết: “Một số hộ đã được chuyển đến vị trí mới. Số còn lại đang được định giá tài sản và sẽ di dời trong thời gian sớm nhất. Cơ sở hạ tầng khu tái định cư đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt người dân”.