Song, theo tìm hiểu của Zing.vn, đang có tình trạng lợi dụng “treo dê bán chó” ngay cả với hàng Nhật, Thái, Hàn…
Thời của hàng Thái
Xu hướng hiện nay của nhiều người tiêu dùng là chuộng hàng Thái. Đơn giản bởi hàng Thái được đánh giá là tốt hơn về chất lượng so với hàng Trung Quốc. Trong khi đó, so về giá cả, hàng Thái cũng khá phù hợp thu nhập của phần đông người tiêu dùng trong nước hơn là hàng Nhật, Hàn Quốc...
Chợ An Đông, TP.HCM vốn là "thiên đường" của hàng Trung Quốc nay chuyển sang hàng Thái Lan. |
Hàng Thái được coi là giải pháp thay thế hàng Trung Quốc phù hợp nhất vì dễ mua, dễ xài. Cụ thể, cùng một mặt hàng, nhưng hàng Thái giá nhỉnh hơn 20 -25% so với hàng Trung Quốc. Ví dụ, nếu một chiếc áo thời trang nữ xuất xứ Trung Quốc có giá 100.000 đồng thì mặt hàng cùng loại của Thái Lan là 120.000 đồng, song người dùng vẫn vui vẻ chi thêm để sở hữu mặt hàng này.
Khá nhạy bén với thị trường, hiện không chỉ các siêu thị mà hầu hết các điểm bán hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng... đều giới thiệu hàng hóa của mình là hàng Thái, thay vì hàng Trung Quốc. Ngay cả các xe đẩy trái cây, hạt dẻ, dép lê dạo ngoài đường cũng trưng biển “hàng Thái”. Tại một shop quần áo trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, anh chủ shop cam kết, shop anh không hề bán hàng Trung Quốc. Đích thân anh sang Thái lấy hàng thường xuyên nên khách không phải lo.
Tư vấn về cách phân biệt hàng Thái và hàng Trung Quốc, anh này cho rằng, về chất liệu, hàng Thái lúc nào cũng dày dặn hơn và luôn được may rất kỹ với 2-3 làn chỉ. Trong khi đó, hàng Trung Quốc rất sơ sài, cẩu thả nên rất dễ nhận biết. Ngoài ra, về kiểu dáng, hàng Thái thường đơn giản, mẫu mã không nhiều và không cầu kỳ hay sặc sỡ như hàng Trung Quốc. Cũng theo anh này, trên thực tế, Trung Quốc vẫn là nhà "vô địch" trong việc nắm bắt các xu hướng thời trang, và cho ra đời những lô hàng nhái trông như thật. Tuy vậy, nếu khách hàng là người tinh ý, có thể thấy rõ sự chênh lệch về chất lượng của hàng Thái và Trung Quốc.
Nhận định đó cũng khá chính xác khi quan sát các mặt hàng gia dụng và điện tử của Thái Lan tại các siêu thị hay tại các cửa hàng. Trong khi các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đủ sắc màu lung linh sặc sỡ thì màu sắc hàng Thái kém hấp dẫn hơn hẳn. Mẫu mã của hàng Thái cũng khá đơn giản, và hầu như không thay đổi nhiều trong khoảng vài năm.
Cẩn thận với hàng Thái “treo dê bán chó”
Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng có thể giúp khách hàng phân biệt hàng Thái và hàng Trung Quốc, dù họ luôn miệng cam đoan bán hàng Thái chính cống. Tại đường Hoàng Sa, quận Phú Nhuận, một anh bán hạt dẻ dạo với biển hiệu “Hạt dẻ Thái Lan” chỉ ậm ừ khi được hỏi cách phân biệt hạt dẻ Thái và Trung Quốc. Cũng vậy, tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), các tiểu thương bán trái cây, rau củ quả dường như thống nhất một cách giải thích, rằng hàng Trung Quốc thì trái to hơn, mướt mát hơn!
Từ thực phẩm, quần áo đến hàng gia dụng đều là hàng Thái. |
Riêng về hàng may mặc, anh Trần Cường, một người từng kinh doanh hàng thời trang cho biết, các cửa hàng thời trang nói là bán hàng Thái nhưng thực tế họ luôn pha trộn hàng Trung Quốc và Thái Lan với tỷ lệ 7 - 3 hoặc 6 - 4. Lý do là hàng Trung Quốc rẻ và kiểu dáng khá đẹp, lại phong phú, dễ bán và cho lợi nhuận cao. Trong khi đó, phần đông khách mua thường quan tâm đến kiểu dáng hơn là xuất xứ, nên chỉ cần hàng đẹp, các chủ shop sẽ giới thiệu là hàng Thái và “hốt bạc”. Cụ thể, theo anh này, một món đồ nhập từ Trung Quốc có giá chỉ khoảng 50.000 đồng nhưng khi được shop phối thêm với phụ kiện cho bắt mắt, treo trong trong một không gian “lung linh”, giá có thể đội lên tới 400.000 - 500.000 đồng. Đó là cái giá được phần đông khách hàng coi là có thể “chấp nhận được”, miễn là món đồ xinh xắn, vừa ý.
Cũng với cách “lập lờ” như thế, một số shop thời trang còn mua hàng chợ về rồi “biến hóa” món hàng thành hàng Thái. Chị Thủy, một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai xác nhận, việc các shop ra chợ mua đồ về bán rất phổ biến. Thông thường hàng chợ không được ủi hay chăm chút. Nhưng khi về đến shop, món đồ sẽ được ủi thẳng, trang điểm thêm phụ kiện và được mặc vào các ma-nơ-canh dáng chuẩn trong một không gian bài trí đẹp, thế là hàng chợ Trung Quốc thành hàng Thái, với chênh lệch giá của món hàng từ chợ đến shop vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
Chị Lan Hương, một tín đồ thời trang cho biết, chị từng đi Trung Quốc du lịch và mua sắm. Theo quan sát của chị, giày thể thao nhái hàng một thương hiệu lớn bán ở lề đường Trung Quốc, được đựng trong các sọt nan như lồng gà với giá chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng tiền Việt. Nhưng cũng mặt hàng đó, khi về đến lề đường Việt Nam, được giới thiệu là hàng Thái và có giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/đôi.
Hàng Thái xịn sau khi về shop, trừ các chi phí vận chuyển, thuế (nếu có), mặt bằng… sẽ đắt hơn hàng Trung Quốc và Việt Nam khoảng 30%. Đánh vào tâm lý nhiều người chuộng mặt hàng này, giới buôn bằng đủ các chiêu trò, đã “đánh lận” với hàng Trung Quốc để kiếm lợi khủng.