Từ ngày 12/5, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội di dời 34 cây sưa đỏ để mở rộng đường Nguyễn Văn Huyên và xây dựng cầu vượt qua đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). |
Kể từ đó, các cây sưa đỏ được tỉa cành, ngọn và mặc "áo giáp sắt" cao 2 m, chôn sâu xuống đất 75 cm để chống trộm. |
Anh Trần Nhật Thành, cán bộ phụ trách thi công gói thầu số 13, Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 2 Hà Nội cho biết mỗi cây đều được thiết kế một khung sắt riêng, phù hợp với hình dáng để vừa có thể bảo vệ, vừa giúp cây phát triển bình thường. |
5 chiếc camera cũng được bố trí dọc hàng cây để theo dõi. Tại đầu đường, một trung tâm kiểm soát với màn hình máy tính hiện hình ảnh được bật 24/24h. |
Buổi tối, công ty bố trí 2 nhân viên bảo vệ để tuần tra dọc hàng cây dài 250 m. Một năm sau khi công trình hoàn thành, công ty sẽ bàn giao cho Sở Xây dựng Hà Nội để tiếp tục quản lý. |
Hàng cây sưa cũng được sắp xếp lại. Những cây to, có giá trị cao được chuyển xuống cuối đường, đối diện với trụ sở Công an quận Cầu Giấy để tiện trông nom. |
Anh Nguyễn Văn Ngát, chủ một showroom ôtô trên đường Nguyễn Văn Huyên cho biết năm 2019, 2 tên trộm đã giật đứt camera theo dõi, dùng cưa máy cưa cây sưa đỏ to nhất. Chúng vừa cưa vào thân cây được khoảng 7 cm thì bảo vệ showroom ôtô thức dậy. Họ hoảng sợ vác cưa lên xe máy bỏ chạy. Anh Ngát cho rằng việc đóng khung sắt là cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng làm tốn diện tích vỉa hè và gây mất mỹ quan đô thị. |
Anh Nguyễn Văn Hanh, người được thuê làm khung sắt cho biết đã chuẩn bị vật liệu và sơn một lớp tại xưởng. Sau đó, anh mang ra công trường để hàn vào từng cây theo bản vẽ có sẵn. Cứ vài ngày, anh lại phải sơn lại một lần để chống gỉ sét. |
Sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại. Đây là loại gỗ quý, ruột cây có màu nâu đỏ và đang bị săn lùng ráo riết để đóng bàn, làm trang sức và nhiều công dụng khác với mức giá cao. Vì thế, chúng gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên. |