Từ lâu, tài khoản cá nhân, trang (fanpage) và nhóm (group) là ba yếu tố cấu thành mạng xã hội Facebook. Khác với fanpage - cộng đồng do một hay nhiều cá nhân quản lý và chịu trách nhiệm với mỗi bài đăng, group Facebook là một cộng đồng thu nhỏ nơi mọi người có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, video và rao bán hàng hóa.
Tuy nhiên, group Facebook có thể hạn chế, lọc thành viên chi tiết hơn và có tính cộng đồng cao hơn cả. Có ba dạng group gồm công khai, kín và bí mật. Trong đó, group kín và bí mật đang là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả người dùng Facebook và chứa chấp nhiều nội dung trái pháp luật.
Nhóm chia sẻ ảnh khêu gợi với hàng triệu thành viên
Ngày 16/2, nhóm VSBG (Vietnam Sexy Bae Group) đã bị xóa khỏi Facebook. Tuy vậy, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhóm này bị xóa là do hacker đã chiếm quyền truy cập chứ không phải những hình ảnh 90% da thịt được các thành viên đăng tải trên đó.
VSBG là nhóm cho phép các thành viên nữ đăng tải ảnh gợi cảm thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác. Nhóm này hoạt động từ năm 2016 với 1.040.668 thành viên.
Nhóm Facebook đang là ẩn họa hiện hữu của mạng xã hội này. |
Ngoài VSBG, những nhóm như "12 g", "vào nhà nghỉ...", "bần tăng có link"... cũng là những trang cho phép đăng tải hình ảnh khỏa thân, liên kết phim người lớn, thậm chí là các hoạt động liên quan đến mại dâm.
"Chúng tôi hạn chế việc hiển thị ảnh khỏa thân hoặc hoạt động tình dục vì một số người trong cộng đồng của chúng tôi có thể nhạy cảm với loại nội dung này. Ngoài ra, chúng tôi mặc định sẽ xóa hình ảnh mang tính khiêu dâm để ngăn chia sẻ nội dung không có sự đồng thuận hoặc không đủ tuổi. Những giới hạn về việc hiển thị hoạt động tình dục cũng áp dụng cho nội dung được tạo bằng kỹ thuật số, trừ khi nội dung được đăng nhằm mục đích giáo dục, gây cười hoặc trào phúng", trích chính sách của Facebook.
Có thể hiểu, Facebook chỉ hạn chế chứ không cấm hoàn toàn những hình ảnh khêu gợi xuất hiện trong các group. Thành viên trong các nhóm ở Việt Nam muốn đăng ảnh gần như khỏa thân đều có thể "lách luật" bằng cách dùng sticker che đậy các vùng kín.
"Việc quản lý những hội nhóm này rất khó. Nếu nhóm cài đặt bí mật thì chỉ có thành viên mới có thể thấy được nhóm. Nếu đặt ở chế độ nhóm kín, người dùng muốn thấy được nội dung nhóm phải trả lời một số câu hỏi và chờ xét duyệt của quản trị viên. Có thể nói, fanpage là hình thức tự tìm thành viên còn group là dạng thành viên chủ động tìm nội dung mình muốn xem", Thế Vinh, người làm dịch vụ Facebook tại TP.HCM cho biết.
Các hội nhóm ảnh sexy thu hút hàng triệu người tham gia. |
Cũng theo ông Vinh, chính lý do này khiến không phải ai cũng có thể thấy được những nội dung nguy hiểm có bên trong các group kín và người dùng chủ động tìm kiếm group thường sẽ không báo cáo nội dung vi phạm.
Điều này lý giải cho việc những group chứa nội dung ảnh khỏa thân vẫn tồn tại nhiều năm với hàng triệu thành viên như VSBG.
Năm 2017, một nhóm Facebook có tên "Marines United", nơi các thành viên đăng tải ảnh khỏa thân và những bình luận dâm ô về phụ nữ. Theo NBC , nội dung mà hàng nghìn thành viên nam của nhóm chia sẻ là ảnh khỏa thân, các hoạt động hãm hiếp, phân biệt chủng tộc.
"Quản trị viên những nhóm này không thể kiểm duyệt được quá nhiều nội dung, bình luận mà các thành viên đăng tải", Jen Golbeck, giáo sư Nghiên cứu Thông tin của Đại học Maryland cho biết.
Theo NBC, đáp lại câu chuyện này, Facebook cho rằng họ luôn muốn xây dựng một môi trường cởi mở nhưng không cho phép quấy rối và những nội dung ảnh hưởng đến cá nhân.
Hội những người cùng "phê"
Tại Việt Nam, trong tất cả các nhóm Facebook có nội dung liên quan đến chất kích thích, có lẽ "Tâm sự *** **** phê" là một trong những group nổi tiếng nhất với hơn 31.000 thành viên.
"Hội chỉ nói về chủ đề phê, không mua bán, tổ chức sử dụng các chất ma tuý, không khuyến khích sử dụng ma tuý mà chỉ chia sẻ nhạc - video giúp bạn văn minh và chìm trong hưởng, chia sẻ về cuộc đời, cuộc chơi, suy nghĩ trong cơn phê của bạn", phần mô tả của group Facebook này viết.
Bài đăng trong nhóm Facebook có nội dung về chất kích thích thu hút hàng trăm lượt tương tác. |
Tuy vậy, những hình ảnh, video đăng tải trên nhóm Facebook này khiến không ít người rợn gáy. Một nam thanh niên cầm hung khí với mô tả: "Khi phê đồ chúng mày làm gì. Tao vác đồ xuống đường chống Mỹ".
Ngoài group trên, nhiều hội nhóm khác như *** High, *** *** khay ke... cũng là những hội nhóm chia sẻ hình ảnh về chất kích thích và quá trình sử dụng. Trong số đó, có nhiều nhóm Facebook ghi rõ ở phần nội quy, các thành viên không được đăng bài mua bán chất kích thích, nếu có nhu cầu chủ động ra ngoài thương lượng.
Nội quy này nghe có vẻ" trách nhiệm" nhưng những nội dung đăng tải của nhóm thu hút lượng lớn người dùng quan tâm đến chất kích thích. Đây là môi trường thuận lợi cho những người bán các loại hàng cấm này.
Tiếp tay cho vi phạm bản quyền
Tháng 7/2018, trang Business Insider đăng tải bài viết phản ánh việc hàng chục bộ phim bản quyền đang được chia sẻ bên trong các nhóm Facebook kín có hàng trăm nghìn thành viên. Tuy nhiên mạng xã hội này cho biết họ không có trách nhiệm gì nếu người bị vi phạm không báo cáo.
Trang Business Insider đã tìm ra hai nhóm kín có tên "Full HD English Movie" và "Free full movies 2018". Cả hai nhóm kín này đều cho các thành viên của mình xem những bộ phim bản quyền mới nhất (hiện vẫn còn chiếu ở rạp) như "Ant Man and Wasp" và "A Quite Place".
Facebook cho rằng họ không có trách nhiệm phải gỡ bỏ video khi chủ sở hữu không lên tiếng. |
Trả lời Business Insider, người đại diện Facebook nói công ty không có trách nhiệm phải xóa những nội dung này nếu người sở hữu bản quyền không thông báo với Facebook. Facebook cho rằng họ không thể khẳng định trường hợp nào sai kể cả khi việc chia sẻ những bộ phim này rõ ràng là vi phạm bản quyền.
"Nếu chủ bản quyền xác định nội dung trên Facebook mà họ tin rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ, họ có thể báo cáo cho chúng tôi bất kỳ lúc nào bằng cách sử dụng các kênh báo cáo trực tuyến của chúng tôi", đại diện Facebook cho biết.
Bên cạnh đó, Facebook không cho phép người dùng báo cáo vi phạm bản quyền trừ khi họ chính là người sở hữu. Điều này có nghĩa không có cách nào để người dùng thông thường cảnh báo nội dung nào đó vi phạm.
Facebook cho rằng họ không có trách nhiệm gỡ những video này khi không có báo cáo từ người sở hữu. Bởi công ty không thể khẳng định nội dung nào đó đang được tải lên trái phép trên nền tảng của họ.
Tại Việt Nam, có hơn hàng nghìn nhóm lớn nhỏ chia sẻ phim. Đa phần các nhóm này được tạo ra để phân phối các liên kết phim lậu. Quản trị viên sẽ đăng một đoạn trailer kèm liên kết dẫn đến một web lậu khác.
Theo SimilarWeb, những trang phim lậu mới nổi này thu hút hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi tháng. Trong đó lượng truy cập đến từ Facebook chiếm gần 40%. Các nhóm Facebook hiện là công cụ đắc lực giúp các trang xem phim lậu thu hút lượng lớn người xem.
Hội mua bán hàng cấm
Trong phần chính sách Facebook nêu rõ bài viết không được quảng bá việc bán tiền thật, tiền ảo hoặc tiền giả. Thế nhưng, với từ khóa "tiền giả", người dùng dễ dàng tìm thấy những hội nhóm mua bán, trao đổi tiền giả và cả tiền thật.
Ngoài những hội nhóm chuyên chứa chấp hoạt động này, nhiều group cộng đồng cũng thường xuyên xuất hiện những bài viết quảng bá cho hoạt động kinh doanh tiền giả.
Đao kiếm, đồ rừng được rao bán công khai trong các nhóm kín Facebook. |
Với từ khóa "đồ rừng", người dùng dễ dàng tìm thấy nhiều nhóm Facebook với hàng chục nghìn thành viên đăng tải hình ảnh các loài động vật quý hiếm bị xẻ thịt, lột da.
Nhóm "Đồ rừng quý hiếm cọp - gấu", "hàng rừng đồ độc" là những nhóm kín tiêu biểu rao bán những mặt hàng này.
Gần như tất cả các mặt hàng phi pháp đều có thể mua ở các hội nhóm Facebook. |
Ngoài tiền giả và thú rừng, các nhóm chuyên tiêu thụ xe không giấy tờ, dịch vụ bằng cấp giả, vũ khí... với hàng nghìn thành viên cũng đang nằm ngoài tầm kiểm soát và dẫm lên những chính sách mà Facebook tuyên bố hùng hồn.
Vậy Facebook có chịu trách nhiệm về những mặt hàng được bán trong nhóm hoặc trên Marketplace không?
"Không, cả người mua và người bán đều phải chịu trách nhiệm về những mặt hàng được bán trong nhóm mua và bán trên Facebook hoặc trên Marketplace", đó là tuyên bố của Facebook trong phần chính sách về chức năng rao bán của mạng xã hội này.
Thế giới lo ngại về nhóm tẩy chay vaccine
Tháng 2/109, nhiều chuyên gia y tế Mỹ và châu Âu đã lên tiếng yêu cầu Facebook kiểm soát những hội nhóm anti vaccine trên mạng xã hội này.
Theo một báo cáo tại Anh, có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về chống vaccine, và Facebook là một trong những mạng xã hội được tận dụng để phổ biến phong trào này.
Các nhóm tuyên truyền chống vaccine, được gọi chung là “anti-vaxxers” hoạt động trong các nhóm kín trên Facebook, và thành viên muốn vào phải trả lời câu hỏi hoặc qua kiểm duyệt. Bằng cách này, các nhóm có thể tùy ý chọn thành viên mình muốn và lan truyền tin giả thoải mái mà không bị phản ứng.
Một đoàn người biểu tình chống tiêm vaccine tại Washington, Mỹ. Ảnh: AP. |
Số thành viên của một nhóm như Stop Mandatory Vaccination (Dừng tiêm vaccine bắt buộc) lên tới 150.000 người. Một số nhóm khác như Vitamin C Against Vaccine Damage thì tuyên truyền là uống Vitamin C liều cao có thể “chữa lành” những tác hại từ vaccine.
Trước trào lưu này, nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời. Bà Wendy Sue Swanson, người phát ngôn của Viện Nhi khoa Mỹ cho biết:
“Facebook cần ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, nhất là khi thông tin giả bị lan truyền. Đây không còn là vấn đề sức khỏe từng cá nhân mà ảnh hưởng tới cả cộng đồng".