Sản phẩm mới sẽ ra mắt vào hôm 28/7 và dự kiến bán với mức giá từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng cho 330 ml, tại các điểm bán lẻ.
Điều này tương đương với chuyện giá của sản phẩm này rẻ hơn so với loại bia Sapporo Premium đang bán trên thị trường khoảng 30%, Nikkei đưa tin.
Công ty đặt mục tiêu bán khoảng 150.000 thùng bia trong năm nay. Sản phẩm mới nhắm vào tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở thị trường Việt Nam, nơi các cơ sở bán bia giá rẻ chiếm khoảng 90% thị trường.
Hãng bia Nhật sản xuất dòng sản phẩm riêng dành cho thị trường Việt Nam, nhắm tới tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở đây. Ảnh: Reuters |
Hãng Nikkei cho rằng, cuộc cạnh tranh trên thị trường bia rượu Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Trong khi Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), DNNN chuyên sản xuất thương hiệu 333 và các sản phẩm bia giá rẻ khác chiếm khoảng 50% thị phần. Heineken của Hà Lan cũng nắm trong tay một con số không nhỏ cùng với thị phần của nhãn hiệu Tiger. Anheuser Busch InBev của Bỉ, công ty bia lớn nhất thế giới, đã mở một nhà máy tại miền nam Việt Nam vào năm ngoái.
Sapporo bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam với tư cách là một công ty liên doanh với một công ty thuốc lá quốc doanh vào năm 2010. Họ xây dựng một nhà máy bia vào năm 2011 tại khu vực gần TP HCM. Tuy nhiên, thị phần của họ chỉ ở mức 1%.
Tình trạng này khiến tập đoàn Nhật Bản phải đưa Sapporo Việt Nam thành một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của họ vào năm ngoái. Điều này củng cố cấu trúc tiếp thị và mở rộng kênh bán hàng vào Đà Nẵng cũng như tại các địa phương khác.
Hãng Nikkei cho rằng, doanh nghiệp này sẽ tận dụng thương hiệu mới để phát triển trong tầng lớp trung lưu.
Việt Nam tiêu thụ 3,9 tỷ lít bia trong năm 2014, đứng thứ 3 ở khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Thị trường Việt Nam đang mở rộng vài phần trăm mỗi năm và dự kiến vượt Nhật khoảng giữa năm 2020 và 2025. Mức tiêu thụ bia của Trung Quốc đang đạt ngưỡng giới hạn, khiến Việt Nam là một trong số ít các thị trường bia đang phát triển.
Bia Nhật thường xuyên cố gắng thâm nhập thị trường Đông Nam Á bằng cách tiếp thị sản phẩm của họ là bia cao cấp. Hiện tại, họ cần phải mở rộng phạm vi lôi cuốn.
Kirin Holdings đã mua phần lớn cổ phần năm ngoái tại Myanmar Brewery, công ty bia lớn nhất đất nước. Bia ngày càng trở thành đồ uống phổ biến tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là thế hệ trẻ, và Myanmar Brewery chiếm 80% thị phần. Kirin cũng sở hữu 48% cổ phần trong nhà máy bia San Miguel Brewery của Philippines. Đơn vị San Miguel làm ra bia Kirin Ichiban Shibori tại một khu vực thái lan. Asahi Group Holdings đã ký hợp đồng với các công ty địa phương ở Malaysia và các nơi khác để sản xuất sản phẩm bia Super Dry của họ.