Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng bán lẻ biểu tượng một thời của Mỹ chính thức phá sản

Từ 3.500 cửa hàng vào năm 2005, hãng bán lẻ biểu tượng một thời của Mỹ nay chỉ còn chưa tới 900 cửa hàng.

Sáng ngày 15/10, hãng bán lẻ Sears chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 Luật Phá sản Mỹ sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ và nợ nần chồng chất.

Từ năm 2014, doanh số của hãng bán lẻ 132 năm tuổi này đã sụt một nửa. Liên tục thua lỗ, nguồn tiền dự trữ cạn kiệt khiến hãng này phải đóng cửa hàng nghìn cửa hàng và sa thải hàng trăm nghìn nhân viên để tiếp tục tồn tại. Khoản nợ 134 triệu USD tới hạn ngày 15/10 nhưng không trả được là cú hích dẫn đến quyết định xin phá sản của hãng này.

Hang ban le bieu tuong Sears pha san anh 1
Sears xin phá sản sau nhiều năm chật vật tồn tại. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh việc xin phá sản, CEO của Sears, Edward S. Lampert, cũng là cổ đông lớn nhất công ty, xin từ chức. Ông đổ lỗi sự sa sút của công ty cho truyền thông, sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng và sự trỗi dậy của thương mại điện tử...

Trong nhiều năm qua, ông duy trì hoạt động của hãng bán lẻ đang hấp hối này bằng các khoản nợ hàng tỷ USD qua quỹ đầu cơ ESL Investments của mình và bán đi các thương hiệu nổi tiếng một thời như Lands End (2014) và Craftsman (2017). Hãng này đang tìm người mua lại thương hiệu gia dụng Kenmore.

Lampert cho rằng những biện pháp này giúp Sears có thêm thời gian để cải tổ và trở lại thời kỳ có lãi. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ khả năng vực dậy của công ty này sau nhiều năm thiếu đầu tư vào các cửa hàng. 

"Vấn đề của Sears là hãng này thất bại trong mọi khía cạnh từ chủng loại hàng hoá, dịch vụ cho tới các tiêu chuẩn cơ bản của cửa hàng bán lẻ", Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData Retail nhận định. "Thất bại đó khiến hãng này mất đi khách hàng, thị phần và thương hiệu xấu đi".

Nhiều chỉ trích nhắm vào Lampert khiến ông chuyển sang điều hành công ty đang trong khủng hoảng này từ xa, chỉ tới trụ sở Sears mỗi năm một lần để dự cuộc họp cổ đông. Ông làm việc tại một văn phòng tại Bay Harbor Islands, ngoài khơi Miami và tương tác với nhân viên chủ yếu qua họp điện đàm.

Khi doanh số sụt một nửa từ 53 tỷ USD vào năm 2006 xuống chỉ còn 17 tỷ USD năm ngoái, Sears đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Tính tới 13/9, Sears chỉ còn 866 cửa hàng, giảm từ 3.500 cửa hàng vào năm 2005 - thời điểm Sears sáp nhập với Kmart lập thành Sears Holdings.

Nhiều cửa hàng của Sears và Kmart không được bảo trì và đầu tư nâng cấp đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất, các cửa hàng của hãng này cũng khó cạnh tranh với các đối thủ khác khi các nhà cung cấp rút dần khỏi đây, đe doạ huỷ hợp đồng và yêu cầu thanh toán trước cho các đơn hàng. 

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2013, Lampert nói: "Tôi bị chỉ trích vì không đầu tư cho các cửa hàng. Quan điểm của tôi là chúng tôi không thể đầu tư vào bất cứ thứ gì".

Nhiều khách hàng trung thành cảm thấy tiếc nuối cho hãng bán lẻ từng là biểu tượng của nước Mỹ. 

"Tôi chẳng thể hiểu được lý do Sears lại có thể vật lộn trong vũng bùn như vậy suốt nhiều năm qua", một người Mỹ tên Robert Moon nói với Business Insider mới đây. "Sears từng là hãng bán lẻ số 1 thế giới và đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi sang mua sắm qua catalog. Họ lẽ ra có thể đi tiên phong trong bán lẻ trực tuyến. Nên là Sears chứ không phải Amazon".


Nguyễn Duy

Theo Business Insider

Bạn có thể quan tâm