Ngày 22/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai miền Triều Tiên và Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu đã đồng ý loại bỏ vũ khí tại Khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai nước láng giềng. Sau đó, các bên sẽ tiến hành “xác minh chung ba chiều” trong 2 ngày nữa.
Trong tháng 9, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng quân sự tại biên giới sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Đầu tháng 10, hai bên bắt đầu loại bỏ các bãi mìn tại Khu vực an ninh chung, điều kiện được đưa ra trong đàm phán. Ngày 22/10, thỏa thuận được xác nhận đã "hoàn thành". Việc dỡ bỏ kéo dài 20 ngày nhưng chỉ bao gồm một phần nhỏ ảnh hưởng tới Khu phi quân sự.
Cuộc họp ba bên giữa Liên Hợp Quốc và hai miền Triều Tiên ngày 22/10. Ảnh: AP. |
Cuộc đàm phán ngày 22/10 là lần thứ 2 Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc và hai miền Triều Tiên thảo luận cho phép duy trì quyền hạn pháp lý đối với khu vực phía nam của Khu vực an ninh chung. Đây là vùng duy nhất dọc theo biên giới dài khoảng 250 km, nơi quân đội hai miền thường xuyên giáp mặt.
Động thái diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại dẫn đến việc Mỹ cho rằng không được thông báo đầy đủ về những thỏa thuận quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Hồi tháng 8, Tướng Mỹ Vincent Brooks trả lời phóng viên rằng với vai trò tư lệnh Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc, ông ủng hộ các sáng kiến làm giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Nhưng ông cũng nói thêm với tư cách chỉ huy lực lượng phối hợp Mỹ - Hàn, việc Seoul dỡ bỏ các đồn gác bảo vệ gần Khu phi quân sự (DMZ) có thể tạo ra "mức độ rủi ro nhất định".
Việc Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc chấp thuận lệnh phi quân sự hóa là đáng chú ý trong bối cảnh Washington rất thận trọng đối với hòa giải liên Triều và lệnh cấm vận chuyển hàng qua biên giới hai nước.
Năm 2017, binh sĩ Triều Tiên nổ súng vào một người lính đào tẩu khỏi Khu vực an ninh chung trong khi quân đội Hàn Quốc ra sức giải cứu. Từ năm 1976 căng thẳng bắt đầu leo thang sau "vụ giết người bằng rìu". Binh sĩ Triều Tiên đã tấn công nhóm công nhân đang chặt cây trong Khu phi quân sự, khiến 2 sĩ quan quân đội Mỹ thiệt mạng.