Hàn Quốc khủng hoảng kim chi do thiếu nguồn cung. Ảnh: AFP. |
Mỗi cơ sở có diện tích 9.900 m2, xây dựng ở các quận vùng nông thôn tại Goesan và Haenam. Nếu tính tổng, kích thước của 2 cơ sở này tương đương với 3 sân bóng đá. Tại đây, Hàn Quốc có thể lưu trữ 10.000 tấn cải thảo và 50 tấn cải muối mỗi ngày, Reuters đưa tin.
Số tiền xây dựng các cơ sở này rơi vào khoảng 40 triệu USD và dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2025.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, trong khi mưa nhiều hơn đã tàn phá cải thảo, từ đó làm nguồn cung sụt giảm. Trong khi món ăn này có thể được làm từ các nguyên liệu khác, khoảng 3/4 kim chi thương mại được làm từ cải thảo.
Năm nay, giá cải thảo tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 3 tháng, một phần là do lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm hồi tháng 7 vừa qua.
“Hồi tháng 6, chúng tôi từng mua cải thảo để dùng dần sau khi giá cả leo thang. Nhưng năm nay, chúng tôi đã hết sạch hàng”, Ahn Ik-jin - Giám đốc điều hành nhà sản xuất kim chi Cheongone Organic - cho biết.
“Chúng tôi từng sản xuất 15 tấn kim chi mỗi ngày. Hiện tại, con số này là 10 tấn, thậm chí ít hơn”, ông nói thêm, cho biết công ty ông đã tăng giá lên 3,5 USD/kg kim chi.
Công nhân dỡ cải thảo tại nhà máy sản xuất kim chi Cheongone Organic ở Cheongju. Ảnh: Reuters. |
Ngành công nghiệp kim chi của Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong một thời gian khá dài. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc - với giá chỉ bằng khoảng 1/3 kim chi sản xuất trong nước - tăng mạnh trong 2 thập niên qua, chiếm 40% thị trường kim chi thương mại nội địa Hàn Quốc.
Năm ngoái, gần một nửa trong số 1.000 nhà sản xuất kim chi của Hàn Quốc đóng cửa vĩnh viễn, tạm thời hoặc chuyển sang kinh doanh các sản phẩm khác, theo Korea Rating & Data.
Các nhà sản xuất kim chi Hàn Quốc đang hy vọng kế hoạch mới của chính phủ ít nhất sẽ ngăn việc doanh nghiệp nội địa mất thêm vị thế. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc mong các khu bảo quản sẽ “góp phần to lớn vào việc củng cố vị thế của kim chi nội địa trên toàn cầu".
Lim Jeung-guen - Phó giám đốc bộ phận xúc tiến công nghiệp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc - cho biết nước này có thể xây dựng thêm nhiều khu nữa nếu kế hoạch ban đầu hiệu quả.
Kim chi, cùng với một số sản phẩm khác tồn tại ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, trở thành chủ đề tranh cãi gần đây về nguồn gốc xuất xứ, và dần leo thang thành cuộc chiến quyền lực mềm giữa các nước láng giềng châu Á, theo Washington Post.
Ben cạnh đó, nhiều người lo ngại thiếu hụt cải thảo sẽ ảnh hưởng đến truyền thống “Kimjang” - làm và chia sẻ kim chi giữa gia đình, bạn bè và trong cộng đồng Hàn Quốc.
Theo nhân viên chuỗi siêu thị Hanaro Mart, doanh số bán kim chi làm sẵn đã tăng 20% kể từ tháng 8 so với cùng kỳ năm trước.
“Tôi thường tự làm kim chi nhưng chi phí nguyên liệu đã đội lên rất nhiều", Kim Sook-kyung - 72 tuổi - cho biết. "Có lẽ tôi sẽ vừa làm vừa mua kim chi sẵn có".