Theo Btime, hôm 31/1 Quốc hội Hàn Quốc công bố dự luật về quy định cấm các nước ăn cắp bản quyền các tác phẩm của Hàn Quốc. Kênh Kmtv tin rằng đây là dự luật nhắm vào các chương trình do Trung Quốc sản xuất.
Tờ QQ gọi dự luật mới của Hàn Quốc là nỗi nhục đối với văn hóa Trung Quốc, cái tát với các nhà làm chương trình nước này.
Thánh đường hàng nhái
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự lên ngôi của các bản game show lấy ý tưởng từ chương trình Hàn Quốc. Ủy ban truyền thông Hàn Quốc cho biết năm 2017, Trung Quốc có ít nhất 29 chương trình làm y hệt bản gốc Hàn Quốc.
Các show truyền hình đua nhau nhái Produce 101. |
“Hàng loạt tiết mục hay game show truyền hình Trung Quốc bị cho là ăn cắp bản quyền. Nhưng phía Trung Quốc luôn im lặng, từ chối phản hồi. Điều này gây khó khăn cho phía Hàn Quốc trong việc đưa ra biện pháp giải quyết”, Btime cho hay.
Đơn giản như chương trình Sinh ra ngôi sao được phát trên Iqiyi gần như mô phỏng hoàn toàn format từ Produce 101 ăn khách. Tuy nhiên, thay vì chọn 101 thí sinh tranh tài như bản Hàn, phía Trung Quốc chỉ đưa ra con số 65 thí sinh đọ sức.
Khán giả sẽ thấy sự trùng hợp từ thiết kế sân khấu, cách chấm điểm, thứ hạng các thí sinh không khác chương trình do đài Mnet của Hàn thực hiện.
Gần nhất, show Thần tượng luyện tập sinh còn bị tố trắng là “ăn cắp bản quyền” Produce 101. Show này được ra mắt từ hôm 19/1 với mục tiêu chọn ra nhóm nghệ sĩ gồm 9 ngôi sao trẻ từ 100 thí sinh ứng viên.
Show ẩm thực của Triệu Vy và Huỳnh Hiểu Minh cũng là hàng nhái. |
Show Ba bữa cơm của tvN với dàn tài tử nổi tiếng được “Trung Quốc hóa” thành Khao khát cuộc sống cùng sự tham gia của Hà Cảnh, Huỳnh Lỗi. Bản Trung Quốc giống hệt từ mô-típ kịch bản đến poster.
Nhờ kịch bản gốc thú vị nên Khao khát cuộc sống từ khi ra mắt khán giả hôm 15/1/2017 đã nhận được phản hồi tích cực. Ê-kíp còn lên lịch thực hiện mùa hai.
Show mới Nhà hàng Trung Quốc do Huỳnh Hiểu Minh và Triệu Vy quay thực chất là bản ăn theo của Youn’s Kitchen. The Rap of China đạo từ Show Me the Money.
Khi im lặng không là nhục
Tháng 6/2017, trả lời về việc bị ăn cắp bản quyền, đạo diễn Youn’s Kitchen thừa nhận mệt mỏi khi phía nước bạn lười mua bản quyền.
Theo Kmtv, từ việc dễ dàng có được những chương trình truyền hình đạo nhái, Trung Quốc còn nở rộ trào lưu dùng chùa poster, các sản phẩm âm nhạc.
Show Hàn (ảnh trên) và Trung Quốc giống từ kịch bản đến thiết kế sân khấu, ánh sáng. |
SHINee, Tablo, Epik High, iKon, GOT7, Big Bang, 2NE1 thường xuyên có tên trong top tranh cãi của Weibo khi các tác phẩm của họ được nhiều nghệ sĩ trẻ Hoa ngữ “mượn ý tưởng”.
Trong phần lớn trường hợp bị cáo buộc, các nhà sản xuất phía Trung Quốc để mặc cư dân mạng tranh cãi. Họ cũng im lặng khi bị chỉ trích “kiếm tiền nhờ Hàn Quốc”.
Trung Quốc có câu “im lặng là vàng”, nhưng trường hợp này im lặng bị cho là nhục. Trả lời phỏng vấn Kmtv về vấn nạn ăn cắp ý tưởng, một nhà sản xuất xin giấu tên cho biết: “Đó là chuyện cực chẳng đã”.
Theo nhà sản xuất này, nếu muốn sáng tạo ra chương trình mới hoàn toàn cần rất nhiều thời gian và kinh phí tìm hiểu thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa thể đảm bảo thành công.
“Làm xong chương trình rồi còn phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Việc sáng tạo chương trình mới chắc chắn sẽ kỳ công và rủi ro lớn hơn. Do đó, mua bản quyền hoặc sao chép ý tưởng sẽ là cách ngắn nhất thu lợi nhuận”, người này nói.
Xem show Trung Quốc nhưng nhiều người tưởng đang coi bản nhái của Hàn. |
Một lý do nữa được đưa ra bảo vệ quan điểm “dùng chùa” là thù lao của dàn sao hạng A. Cụ thể, phần lớn kinh phí sản xuất được dùng để trả cho cát-xê nghệ sĩ. Kinh phí sản xuất cho chương trình giảm đến mức tối đa, càng khó cho việc sáng tạo.
Nhà sản xuất này cho biết thêm năm 2017, Trung Quốc hạn chế các chương trình “gốc Hàn”. Vì thế, năm 2017, nhiều đài truyền hình gặp khó khăn trong việc mua bản quyền. Họ đành tự mượn ý tưởng để tạo ra chương trình của riêng.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, đối với dự luật nghiêm khắc từ phía Hàn, dư luận cho rằng đã đến lúc các nhà làm chương trình nghiêm túc với công việc.
Tuy nhiên, độc giả Douban đánh giá đây không phải vấn đề của riêng Trung Quốc. Theo độc giả trang này, nhiều chương trình của Hàn Quốc cũng chỉ là mua bản quyền từ Mỹ và châu Âu.