Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Hàn Quốc phát hiện virus H1N1 lây từ người sang người

Trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 do lây từ người sang người đầu tiên tại châu Á đã được xác nhận trong ngày 5/5 sau khi các quan chức Hàn Quốc thông báo một nữ tu đã nhiễm virus H1N1 từ một người bạn.

Hàn Quốc phát hiện virus H1N1 lây từ người sang người

Trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 do lây từ người sang người đầu tiên tại châu Á đã được xác nhận trong ngày 5/5 sau khi các quan chức Hàn Quốc thông báo một nữ tu đã nhiễm virus H1N1 từ một người bạn.

Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDCP) cho biết các kết quả xét nghiệm đã phát hiện nữ tu 44 tuổi này, không hề đến Mexico, đã bị nhiễm cúm A/H1N1.

Một quan chức y tế Hàn Quốc đang dùng kit thử cúm kiểm tra mẫu phẩm của một hành khách đi máy bay

“Bà ấy bị nhiễm cúm sau khi gặp một nữ tu 51 tuổi bị nhiễm cúm A/H1N1 ở sân bay và vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện”, một quan chức Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, và thêm rằng hai nữ tu này từng sống chung với nhau.

Cũng theo quan chức trên, đây là trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 do lây từ người sang người đầu tiên tại Hàn Quốc. Ngoài ra còn có một trường hợp khác bị nghi nhiễm bệnh, một phụ nữ 62 tuổi trở về từ Mexico hôm 24/4 trên cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên của Hàn Quốc.

Thông tin với các phóng viên, quan chức KCDCP Jun Byung-Yool nói bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên đã ra viện hôm qua (4/5) và bệnh nhân thứ hai sẽ được ra viện vào ngày mai, 6-5.

Theo Tân hoa xã, tính đến sáng 5-5, đã có tổng cộng 1.447 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 được xác nhận ở 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 27 trường hợp tử vong (26 trường hợp ở Mexico và 1 trường hợp ở Mỹ). Thông tin được đưa ra dựa trên con số cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và từ các chính phủ.

Tại Mỹ, nơi virus cúm A/H1N1 gần như có mặt ở tất cả các bang, các quan chức Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) dự báo dịch cúm A/H1N1 sẽ còn tiếp tục lan rộng trên quy mô toàn cầu và có thể trở thành đại dịch, song lại cho rằng chưa cần thiết phải sản xuất vaccine với khối lượng lớn bởi virus này có thể sẽ biến thể trong những tháng tới.

CDC cho rằng virus cúm A/H1N1 nhiều khả năng sẽ biến thể ở khu vực Nam bán cầu, nơi bắt đầu bước vào mùa đông và là thời kỳ các chủng virus cúm phát triển mạnh. Ngày 5/5, WHO cũng đã cảnh báo các nước nằm ở Nam bán cầu, trong đó có Úc và New Zealand, về nguy cơ dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh trong những tháng tới.

Bác sĩ Silvana Mangu đọc bảng câu hỏi kiểm tra cúm A/H1N1của một hành khách tại sân bay Sibiu ngày 5/5

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ vừa phát hiện ra nguồn gốc tiến hóa của virus cúm A/H1N1. Điều này sẽ giúp các các cơ quan y tế tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và điều trị dịch bệnh này.

Tại Nhật Bản, nhóm các nhà khoa học, trong đó có ông Kuniaki Nerome, Giám đốc Viện các nguồn tài nguyên sinh vật (IBR) ở tỉnh Okinawa, đã phát hiện ra rằng trong số 6 phân tử RNA (ribonucleic acid) thừa kế từ các virus cúm heo ở Bắc Mỹ, có 1 RNA được tạo ra từ virus cúm ở người, hai từ virus cúm gia cầm và 3 từ các virus cúm heo ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học Mỹ, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Colombia, đã tiến hành so sánh thông tin về gene giữa virus gây bệnh cúm mới với virus cúm heo đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đó. Kết quả so sánh cho thấy trong số 8 phân tử RNA của virus cúm mới, có 6 RNA được thừa kế từ các virus đã gây bệnh cúm heo trước đó ở Bắc Mỹ và 2 RNA khác được thừa kế từ chủng virus gây bệnh cúm heo lai Âu-Á (Eurasian-type) có nguồn gốc ở châu Âu và châu Á.

Các virus gây bệnh cúm lợn và cúm gia cầm thường không lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, các con lợn có thể bị nhiễm bệnh cúm ở người và cúm gia cầm. Khi điều này xảy ra, các virus khác nhau có thể kết hợp để tạo ra nhiều loại biến thể virus khác nhau. Theo các nhà khoa học Mỹ, nhiều khả năng protein trên bề mặt của virus mới đã biến thể và cho phép virus này lây lan một cách dễ dàng giữa người với người.

Các nhà khoa học hy vọng phát hiện mới sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực vạch ra các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự lây lan của virus cúm A/H1N1 từ người sang người và chữa trị cho các bệnh nhân của loại cúm mới gây chết người này.

Các nhà khoa học Anh đã bắt đầu nghiên cứu điều chế một loại vaccine phòng virus cúm A/H1N1. Các nỗ lực đang được tiến hành tại Viện Tiêu chuẩn sinh học quốc gia NIBSC (Anh), nơi sẽ điều chế một loại vaccine "hạt giống" mà từ đó các nhà sản xuất có thể nuôi cấy hàng loạt.
Một sinh viên Bỉ trở về từ Mexico đeo khẩu trang ngừa cúm A/H1N1 tại sân bay Brussels ngày 5/5

Theo các nhà khoa học, bước đầu tiên là khoan một lỗ nhỏ vào vỏ trứng gà và bơm vào đó một lượng rất nhỏ virus, vì trứng là môi trường tuyệt vời để nuôi dưỡng virus cúm. Sau đó, trứng gà được ủ và sau hai ngày đã có đủ lượng virus để chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

Các nhà khoa học sử dụng hai phương pháp kỹ thuật khác nhau, trước hết là phương pháp "đảo ngược gene", có nghĩa là họ lấy protein H và N từ virus H1N1 và trộn chúng với một loại virus phòng thí nghiệm, gọi là PR8. Kết quả là thu được một virus lai vô hại có thể được dùng cho vaccine. Phương pháp thứ hai gồm việc bơm cả H1N1 và PR8 vào trứng và để cho chủng lai tự tạo qua quá trình chọn lọc gene tự nhiên.

Chủng "hạt giống" đầu tiên của vaccine phòng cúm A/H1N1 này sẽ được chế tạo trong vòng 3 đến 4 tuần. Sau đó phải mất 4 hay 5 tháng nữa các nhà sản xuất mới có thể sản xuất vaccine hàng loạt.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Bưu điện Việt Nam

TTXVN

Bạn có thể quan tâm