Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc hồi sinh 'kho báu' vonfram để thoát phụ thuộc vào Trung Quốc

Từng phiến vonfram xanh lấp lánh trên tường những khu mỏ bỏ hoang có thể là chất xúc tác giúp Hàn Quốc phá bỏ thế thống lĩnh của Trung Quốc trong lĩnh vực kim loại thiết yếu.

Nằm cách Seoul 180 km về phía đông nam, khu mỏ tại thị trấn Sangdong đang được đưa trở về từ cõi chết để khai thác vonfram - thứ kim loại đã càng thêm quý giá trong các công nghệ của thời đại số như điện thoại, chip điện tử, xe điện và tên lửa.

“Tại sao mở cửa trở lại sau 30 năm? Vì điều đó đồng nghĩa với việc có chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên”, ông Lee Dong Seob, Phó giám đốc Tập đoàn Almonty Korea Tungsten, chủ sở hữu khu mỏ Sangdong, nói.

cai nghien vonfram Trung Quoc anh 1

Một mảnh vonfram bên trong mỏ Sangdong ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Sangdong là một trong số ít nhất 30 khu mỏ hoặc nhà máy xử lý khoáng sản thiết yếu mới được mở hoặc mở cửa trở lại trên khắp thế giới trong 4 năm qua, không tính Trung Quốc, theo Reuters. Những dự án này bao gồm dự án phát triển lithium ở Australia, đất hiếm ở Mỹ và vonfram ở Anh.

Quy mô những dự án này thể hiện áp lực của các nước trên thế giới trong việc phải đảm bảo nguồn cung những kim loại thiết yếu cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh, từ lithium trong pin xe điện tới magnesium trong laptop và neodymium trong tuabin gió.

“Bạn cần kế hoạch B”

Theo ước tính của Tổ chức Năng lượng Quốc tế, nhu cầu đối với kim loại hiếm ước tính sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2040, thậm chí là 30 lần đối với khoáng sản dùng trong xe điện và pin.

Trong bối cảnh ấy, vấn đề đảm bảo nguồn cung vonfram đặc biệt hệ trọng với Hàn Quốc - nước tiêu thụ vonfram nhiều nhất thế giới tính trên đầu người. 95% vonfram nhập khẩu của Hàn Quốc là từ Trung Quốc.

“Mua từ Trung Quốc rất dễ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhưng Seoul biết họ đang phụ thuộc quá mức”, Lewis Black, CEO của Almonty Industries, công ty mẹ của Almonty Hàn Quốc, nói với Reuters. “Bạn cần phải có kế hoạch B từ bây giờ”.

Mỏ Sangdong là một trong những khu quặng có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, có thể đáp ứng 10% nguồn cung toàn cầu khi mở cửa vào năm 2023, theo chủ sở hữu khu mỏ.

Khu mỏ này được phát hiện từ năm 1916 và từng có thời gian là xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc. Tới năm 1994, nó bị đóng cửa vì không cạnh tranh được với vonfram nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

cai nghien vonfram Trung Quoc anh 2

Một góc trong khu mỏ Sangdong. Khu mỏ trước đó bị đóng cửa nhưng nay được mở trở lại. Ảnh: Reuters.

Lúc này đây, tập đoàn Almonty đang đánh cược rằng nhu cầu và giá cả vonfram sẽ tiếp tục tăng do tác động từ cuộc cách mạng số và xanh, cũng như từ mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của các nước.

Almonty sẽ rót khoảng 100 triệu USD vào dự án tại mỏ Sangdong. Khu mỏ sẽ được đào thêm nhiều đường hầm lớn và xây thêm một nhà máy nghiền vonfram.

Almonty cũng đã ký hợp đồng 15 năm để bán vonfram cho Global Tungsten & Powders - một nhà cung cấp chuyên phục vụ quân đội Mỹ - để dùng trong đầu đạn pháo, rocket và ăng-ten vệ tinh.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Almonty sẽ thành công về lâu dài. Dự án này vẫn có thể sẽ chật vật khi cạnh tranh với Trung Quốc. Một số chuyên gia trong ngành cũng lo ngại các nước phát triển sẽ không thực hiện cam kết đa dạng hóa chuỗi cung ứng kim loại thiết yếu.

Tập đoàn Khôi phục Mỏ và Tài nguyên Hàn Quốc (KOMIR) - một tổ chức chính phủ - cho biết họ cam kết trợ cấp khoảng 37% chi phí đào đường hầm ở Sangdong và sẽ cân nhắc hỗ trợ thêm để giảm thiểu thiệt hại tiềm tàng đối với môi trường.

Xu thế chung của thế giới

Tháng 11/2021, Bắc Kinh siết xuất khẩu dung dịch ure. Động thái này gây ra cơn khủng hoảng nguồn cung tại Hàn Quốc vì gần 97% ure của nước này khi ấy được nhập từ nước láng giềng. Tình trạng thiếu hụt khiến người dân đổ xô đến các trạm nạp ure.

Sau đó, Seoul lập ra Đội Chuyên trách An ninh Kinh tế về Vật phẩm then chốt. Hồi tháng 1, ứng viên tổng thống Yoon Seok Yeol cũng cam kết giảm phụ thuộc vào “một nước nào đó”. Tới tháng 4, Tổng thống đắc cử Yoon vén màn chiến lược mới sẽ cho phép chính phủ chia sẻ thông tin tình trạng dự trữ với khu vực tư nhân.

cai nghien vonfram Trung Quoc anh 3

Một con đường vắng vẻ tại Sangdong. Thị trấn Sangdong từng là nơi sinh sống của 30.000 dân nhưng lúc này chỉ còn lại 1.000 người. Ảnh: Reuters.

Hàn Quốc không đơn độc trên phương diện này. Nhiều nước đã phải nhìn nhận khoáng sản là vấn đề an ninh quốc gia vì Trung Quốc kiểm soát quá trình khai thác, xử lý và tinh luyện của nhiều loại tài nguyên trên.

Trung Quốc là nhà cung cấp kim loại thiết yếu lớn nhất cho Mỹ và châu Âu, theo nghiên cứu năm 2019 của tổ chức Khảo sát Địa chất Trung Quốc. Trong số 35 khoáng vật được Mỹ xem là thiết yếu, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất đối với 13 loại, bao gồm đất hiếm.

Trung Quốc cũng kiểm soát hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu, theo CRU Group, công ty phân tích trụ sở ở London.

Trong hai năm qua, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đều công bố hoặc cập nhật chiến lược nguồn cung khoáng sản thiết yếu quốc gia, vạch ra kế hoạch đa dạng hóa để giảm phụ thuộc.

Lúc này, chuỗi cung ứng khoáng sản cũng trở thành một phần trong các nhiệm vụ ngoại giao.

Năm 2021, Canada và EU đã cùng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về khoáng sản thô để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Hàn Quốc vừa qua cũng ký thỏa thuận hợp tác với Australia và Indonesia về chuỗi cung ứng khoáng sản.

“Chuỗi cung ứng khoáng sản sẽ được nhiều nước ưu tiên trong những năm tới vì khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô thiết yếu cho sự chuyển dịch xanh và số đã trở thành một ưu tiên hàng đầu”, ông Henning Gloystein, thuộc công ty tư vấn Eurasia Group.

Ngoại trưởng Joly: Canada có thể cung cấp đất hiếm cho Việt Nam

Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly nói nước này có thể cung cấp nguyên liệu thô quan trọng như đất hiếm để giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Taliban sẽ làm gì với mỏ khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD?

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nhưng sở hữu lượng khoáng sản giá trị lớn và chưa được khai thác hết. Câu hỏi đặt ra là Taliban sẽ làm gì với chúng?

Quốc Đạt

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm