Vẫn chưa có giải đáp rõ ràng cho câu hỏi: “Liệu các thành viên BTS có được miễn nghĩa vụ quân sự?”. Nếu không có gì thay đổi, Jin - 29 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của BTS - sẽ phải nhập ngũ trước ngày 4/12 năm tới.
Trong cuộc họp hôm thứ tư tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Sup cho biết ông đã yêu cầu các quan chức của mình tiến hành một cuộc khảo sát để quyết định có nên miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS hay không. Các yếu tố khác, bao gồm lợi ích quốc gia, cũng được xem xét.
Tuy nhiên, quyết định miễn nghĩa vụ quân sự không được đưa ra bởi Lee Jong Sup. Theo The Korea Times, các chuyên gia cho rằng quyết định này thuộc về các nhà chính trị.
Các chính trị gia cần sức hút toàn cầu của BTS
Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng toàn cầu của BTS. Nhóm đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế kể từ khi ra mắt vào năm 2013, bao gồm 12 giải thưởng âm nhạc Billboard.
Đối với các chính trị gia đang muốn quảng bá văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài, BTS là "thỏi nam châm" giúp họ thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
BTS có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng quốc tế. Ảnh: The Korea Times, Naver, Allkpop. |
Gần đây, BTS được chỉ định làm đại sứ danh dự cho Hội chợ Thương mại Quốc tế - World Expo 2030 tại Busan. Thị trưởng Park Heong Joon đã đề xuất với Chủ tịch Yoon Suk Yeol, xem xét phương án thay thế nghĩa vụ quân sự đối với các thành viên BTS.
Đây không phải lần đầu tiên BTS được mời quảng bá cho các sự kiện quan trọng của quốc gia. Năm 2020, nhóm đã quảng bá cho thủ đô Seoul và một số sự kiện do chính quyền trung ương và địa phương tổ chức.
Cựu tổng thống Moon Jae In bổ nhiệm BTS làm đặc phái viên ngoại giao công chúng. Ông cũng đưa họ tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào năm ngoái.
BTS trong lễ bổ nhiệm đặc phái viên. Ảnh: Soompi. |
Theo Rhee Jong Hoon, người đứng đầu công ty tư vấn chính trị iGM, trước những lợi ích to lớn mà BTS mang lại, các chính trị gia của đảng cầm quyền có thể sẽ tìm cách để nhóm được miễn nghĩa vụ quân sự.
Những thách thức pháp lý nếu không đặt ra quy định mới
Theo luật Hàn Quốc hiện hành, tất cả đàn ông khỏe mạnh đều phải phục vụ trong quân đội 18-21 tháng. Các vận động viên đoạt huy chương Olympic, huy chương vàng và bạc tại các thế vận hội trong nước cũng như quốc tế có thể được miễn trừ.
Quy định đối với các nghệ sĩ ít rõ ràng hơn. Những người giành được vị trí cao nhất trong các cuộc thi trong và ngoài nước có thể nhận đặc quyền này. Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng được chính phủ Hàn Quốc công nhận.
Cơ quan Quản lý nhân lực Quân sự (MMA) chỉ công nhận 5 cuộc thi của Hàn Quốc và 37 cuộc thi quốc tế. Vì vậy, theo lý thuyết, MMA có thể hợp pháp hóa quy định miễn trừ đối với BTS bằng cách thêm các sự kiện như Billboard Hot 100 vào danh sách các cuộc thi được công nhận.
Khi đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc lọt bán kết World Cup 2002, công chúng đã khen ngợi thành tích của họ và kêu gọi Quốc hội ban hành luật đặc biệt để miễn trừ quân sự cho đội tuyển. Các thành viên của đội bóng chày đạt giải 3 tại Giải bóng chày cổ điển thế giới năm 2006 cũng nhận được sự đối xử tương tự.
Hạ nghị sĩ Sung Il Jong của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) là một trong những nhà lập pháp tin rằng BTS cũng xứng đáng được như vậy.
Sự phản đối của các nam thanh niên trẻ tuổi
Sau khi BTS nổi tiếng vào năm 2018, các nhà lập pháp, bao gồm Hạ nghị sĩ Ha Tae Kyung và Hạ nghị sĩ Noh Woong Rae, cho rằng quy định chỉ miễn trừ quân sự cho các nhạc sĩ cổ điển, không bao gồm ca sĩ nhạc pop, là vô lý.
Tuy nhiên, việc miễn trừ cho BTS có thể sẽ khiến nhiều nam thanh niên cảm thấy như vậy là không công bằng và điều này đi ngược lại với lời hứa khôi phục lại giá trị công bằng của tổng thống Yoon Suk Yeol.
Nhiều nam thanh niên phản đối việc BTS được miễn nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Naver. |
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi một nhóm công dân vào tháng 4 cho thấy hơn 68% trong số 2.334 người được hỏi, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 20, cho biết họ không ủng hộ ý tưởng này.
BTS và công ty chủ quản HYBE cũng cho biết các thành viên sẽ nhập ngũ ngay khi có thông báo, song họ vẫn chưa đưa ra các kế hoạch cụ thể.