Ngày 24/2, Ha Tae-kyung, đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, đồng chủ tịch của Đảng Bảo thủ mới, đang trên chuyến tàu cao tốc từ Busan đến Seoul thì nghe tin Quốc hội đã hủy phiên hôm đó và đóng cửa.
Một người tham gia diễn đàn của Quốc hội vào tuần trước đã thử nghiệm dương tính với Covid-19. Một số chính trị gia đang được kiểm tra y tế.
"Virus không phân biệt đối xử cho dù đó là Nghị viện, Nhà Xanh hay Tòa Thị chính", Ha nói trong cuộc phỏng vấn với New Yorker. "Nhưng đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi trải qua việc đóng cửa quốc hội vì lý do như vậy".
"Thời gian vàng" ngắn ngủi
Dịch virus corona, lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, đang có tác động chính trị gia tăng nhanh chóng ở các nước láng giềng. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã bị chỉ trích gay gắt vì cách chính phủ của ông xử lý ổ dịch trên du thuyền dẫn đến ít nhất sáu người chết và bảy trăm ca nhiễm bệnh.
Ở Hàn Quốc, nơi đã báo cáo 42 trường hợp tử vong và hơn 6.500 ca nhiễm bệnh, con số cao nhất sau Trung Quốc, virus này đang đe dọa Tổng thống Moon Jae In.
Viện dẫn số ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc, 95 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, hiện cấm hoặc hạn chế nhập cảnh với các công dân Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Năm 2017, ông Moon, cựu luật sư nhân quyền và ứng viên đảng Dân chủ, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử khẩn cấp sau khi Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội và bãi nhiệm vì lạm quyền và tham nhũng.
Sự phẫn nộ của công chúng, lên đến đỉnh điểm trong các cuộc biểu tình lớn trên đường phố của hàng triệu người Hàn Quốc, bắt nguồn từ vụ chìm phà năm 2014 của M.V. Sewol, trong đó gần 300 thiếu niên đã chết đuối.
Tai nạn cho thấy những thất bại cơ bản trong hệ thống chính phủ Hàn Quốc và sự tắc trách của nguyên thủ quốc gia, người đã vắng mặt ngay sau khi xảy ra thảm kịch.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Moon cam kết tổng thống và Nhà Xanh phải đóng vai trò "tháp kiểm soát" trong các thảm họa quốc gia.
Vào ngày 26/1, ba ngày sau khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), hiệp hội bác sĩ lớn nhất đất nước, đã thúc giục chính phủ tạm thời cấm nhập cảnh tất cả du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Chính phủ của ông Moon đã không chú ý đến cảnh báo đó.
Thay vào đó, họ đã tặng 1,5 triệu khẩu trang cho Trung Quốc. Những người ủng hộ ông Moon chỉ ra rằng Tổ chức Y tế Thế giới không đề xuất lệnh cấm du lịch để ngăn chặn virus, nhưng Tiến sĩ Choi Jae-wook, giáo sư Y học Dự phòng tại Đại học Koryo và Chủ tịch ủy ban xác minh khoa học của KMA, nói rằng các quốc gia phải thích ứng khi đối mặt đại dịch tiềm ẩn.
"Tại Hàn Quốc, lúc đó có chưa đầy 10 người nhiễm bệnh, tất cả đều đến từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, có 70.000 người đến từ Trung Quốc mỗi ngày. Chắc chắn, họ có thể kiểm tra bất kỳ dấu hiệu sốt tại sân bay, nhưng nhiều người không có triệu chứng, và một số chỉ bị bệnh sau đó. Ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào là ngăn chặn sự lây nhiễm và giải pháp cơ bản nhất trong trường hợp này là hạn chế", bác sĩ Choi nói.
Bốn ngày sau, vào ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Australia, đã ban lệnh cấm tạm thời đối với khách du lịch từ Trung Quốc. Các quốc gia lân cận khác, bao gồm Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Việt Nam, Philippines và Singapore, cũng nhanh chóng làm như vậy. Tính đến ngày 4/3, hơn 70 quốc gia đã áp đặt lệnh cấm tạm thời.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập tuyên bố sẽ đưa vấn đề về phản ứng của Tổng thống Moon Jae In với virus corona vào trung tâm của chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Ảnh: Getty. |
Ở Hàn Quốc, ông Moon phải đối mặt khoảnh khắc "tháp điều khiển" của mình, "thời gian vàng" ngắn ngủi khi phản ứng của ông có thể hạn chế sự bùng phát dịch bệnh của đất nước.
Ông từ chối áp dụng lệnh cấm đi lại hoàn toàn. Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng từ chối. Cả hai nhà lãnh đạo đã có kế hoạch cho các chuyến thăm thượng đỉnh mùa xuân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, và Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong số 17 triệu khách du lịch đến thăm đất nước này hàng năm.
Ngày 4/2, năm ngày sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Hàn Quốc ban hành lệnh cấm hạn chế, cấm người nước ngoài đến thăm tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc trong vòng hai tuần nhập cảnh.
"Khó khăn của Trung Quốc là khó khăn của chúng tôi"
Ngày 13/2, khi số lượng ca nhiễm chính thức ở Trung Quốc lên tới gần 60.000, ông Moon tuyên bố virus đã được kiềm chế ở Hàn Quốc và dự đoán nó "sẽ sớm biến mất". Ông kêu gọi người Hàn Quốc trở lại cuộc sống bình thường.
Một tuần sau, vào ngày 20/2, trong cuộc điện đàm 30 phút với ông Tập, ông Moon cam kết Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus corona, nói rằng "những khó khăn của Trung Quốc là khó khăn của chúng tôi" và xác nhận lại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc.
Cùng ngày, ông Moon và phu nhân đã tổ chức chapaguri (món mì ăn liền xuất hiện trong bộ phim giành giải Oscar "Parasite") tại Nhà Xanh cho đạo diễn và diễn viên của phim. Hình ảnh bữa tiệc lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Các tin nhắn người dân Hàn Quốc nhận được để cảnh báo họ về các trường hợp nhiễm virus mới. Ảnh: BBC. |
Đến chiều hôm đó, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc đã tăng gấp đôi từ 51 lên 104 và trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến Covid-19 ở nước này đã được báo cáo. Trong vòng 36 giờ, 5 người Hàn Quốc đã chết vì virus và số ca nhiễm bệnh đã tăng lên hơn 600.
Ngày 23/2, ông Moon cuối cùng đã nâng cảnh báo virus corona lên mức cao nhất và tuyên bố phong tỏa tự nguyện các thành phố và tỉnh bị ảnh hưởng, nhưng virus đã lan rộng ra toàn quốc.
Trong một bài phát biểu, ông Moon đổ lỗi sự bùng phát ở Hàn Quốc cho các thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa, mà các tín đồ chiếm hơn một nửa số người nhiễm Covid-19.
Vào tháng 1, nhóm đã tổ chức buổi lễ lớn ở Daegu, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc. Những người tham dự bao gồm các thành viên gần đây đã đến thăm chi nhánh của nhóm ở Vũ Hán, Trung Quốc và virus dường như đã lây lan giữa những người tham gia.
Lặp lại phản ứng của người tiền nhiệm
Ba năm sau khi ông Moon vận động tranh cử với lời hứa sẽ điều hành hiệu quả hơn trong trường hợp khẩn cấp so với bà Park, phản ứng của ông dường như đang lặp lại người tiền nhiệm. Sau thảm họa chìm phà, bà Park đổ lỗi cho chủ tàu, người sáng lập một nhóm tôn giáo khác cũng được coi là giáo phái. Người này đã lẩn trốn sau khi có lệnh bắt giữ và cuối cùng tự tử.
Ngày 1/3, thành phố Seoul đã yêu cầu các công tố viên buộc tội Lee Man-hee, người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa, và các nhà lãnh đạo khác của nhóm tôn giáo vì tội giết người liên quan đến vai trò của họ trong việc lây lan Covid-19. Chiều hôm đó, ông Lee đã tổ chức họp báo, quỳ xuống, cúi đầu hai lần và xin lỗi về vai trò của nhóm trong dịch bệnh mà ông nói là vô tình.
Đội ngũ y tế của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul diễn tập tại trung tâm chăm sóc dành cho các bệnh nhân nhẹ ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc, ngày 4/3. Ảnh: Getty. |
2,4 triệu cư dân của thành phố Daegu đang sống dưới lệnh cách ly. Trên khắp đất nước, các trường học được nghỉ và dự kiến khai giảng trong tuần này, nhưng chính phủ đã ra lệnh đóng cửa thêm ba tuần nữa.
Vào tháng 4, ông Moon sẽ đối mặt cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ giữ được đa số trong Quốc hội. Các lãnh đạo phe đối lập chỉ trích phản ứng của tổng thống khi bỏ lỡ thời điểm vàng và tuyên bố sẽ đưa vấn đề này vào trọng tâm của chiến dịch.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, sự tín nhiệm đối với ông Moon đã giảm đáng kể trong năm qua khi ông cố gắng thực hiện mục tiêu hòa bình với Triều Tiên. Để đạt được bước đột phá với Bình Nhưỡng, ông Moon cần sự hỗ trợ của Trung Quốc, hậu thuẫn chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, sự nhún nhường của ông trước Trung Quốc khiến công chúng Hàn Quốc phẫn nộ.
Bác sĩ Choi, thuộc K.M.A, đã kêu gọi lệnh cấm du khách từ Trung Quốc sáu lần, nói rằng sức khỏe cộng đồng nên được ưu tiên hơn so với quan hệ với Trung Quốc.