Doanh nhân bị bắt là một người đàn ông tên Kang (54 tuổi), đã chuyển video không dây và công nghệ hệ thống âm thanh cũng như cung cấp thông tin của hàng trăm gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên những năm 1950-1953.
Cảnh sát Hàn Quốc trong một đợt tập trận với Mỹ. Ảnh: CNN. |
Cảnh sát cũng xác nhận người đàn ông này đã gửi tài liệu về xây dựng đường cao tốc của Hàn Quốc và đã liên lạc với tình báo của Triều Tiên.
"Kang thường xuyên đi Trung Quốc và liên lạc trực tiếp với nhân viên tình báo Triều Tiên cũng như đã trao đổi email với họ” - một cảnh sát Hàn Quốc nói.
Kang bị bắt hôm 18/12 sau khi cảnh sát được lệnh khám xét văn phòng của ông. Các nhà điều tra đang cố gắng xác định thêm cách thức liên lạc cũng như những thông tin khác mà Kang đã gửi cho Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, phía Seoul cũng đã xác nhận thông tin mà truyền thông Triều Tiên đăng tải về cuộc sống khốn khổ của một phụ nữ Triều Tiên đào tẩu sang nước này vào hôm 20/12.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thông qua tên tuổi và những thông tin khác do Bình Nhưỡng cung cấp, bộ này xác nhận bà Choi Kye-soon thực sự đã từng sống tại Hàn Quốc khoảng 2 năm, đúng như những gì bà này nói với truyền thông Triều Tiên .
Theo hồ sơ nhập cư, bà Choi (64 tuổi) đã chạy sang Hàn Quốc vào tháng 12/2011 và đã quay lại Triều Tiên vào đầu tháng 12/2013.
Choi cho biết bà sống một mình và không có họ hàng ở Hàn Quốc. Choi khẳng định những kẻ buôn người đã bắt cóc bà khi ở Trung Quốc thăm em gái, sau đó đưa tới Hàn Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình trung ương và Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, bà Choi cho biết từ khi đặt chân tới Hàn Quốc, người ta đã đối xử với bà như một "kẻ hạ cấp". Bà tố cáo Seoul đã có những hành vi bắt cóc và vi phạm quyền con người.
Đây là trường hợp đào tẩu thứ 5 mà truyền thông Triều Tiên đăng tải. Trong tất cả các vụ này, những người đào tẩu đều phải chịu đựng cuộc sống rất khốn khó và không được đối xử một cách bình đẳng.
Theo phía Hàn Quốc, Bình Nhưỡng thường sử dụng con người để tuyên truyền về cuộc sống khốn khổ, mòn mỏi của người dân trong nước nếu họ đào tẩu sang nước khác và kích động làn sóng phản đối Hàn Quốc.