Greg Pillay, người đứng đầu Trung tâm ngăn ngừa thiên tai Cape Town, Nam Phi, đang triển khai một kế hoạch mà ông không bao giờ mong muốn sử dụng đến: kế hoạch đối phó với nạn hạn hán mà 384 năm mới xảy ra, khiến Cape Town trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới phải tạm cắt hoàn toàn nguồn nước máy sinh hoạt.
“Chúng tôi xác định 4 rủi ro: thiếu nước, dịch tễ không bảo đảm, bệnh dịch hoành hành, và sự đối đầu vì tranh giành nguồn lực khan hiếm”, ông Greg Pillay nói.
Đập Theewaterskloof, nguồn cung cấp nước chính của thành phố Cape Town, đang dần cạn nước do hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: Guardian. |
Kịch bản tồi tệ nhất
Trong 40 năm đối phó với những tình huống khẩn cấp, Pillay thừa nhận “nguy cơ trước mắt là khủng hoảng lớn nhất. Chúng tôi đã từng chuẩn bị nhiều kịch bản, nhưng chưa tính đến viễn cảnh không còn giọt nước nào”.
Theo kế hoạch của Pillay, quân đội, các chuyên gia bệnh dịch và y tế, đang ráo riết chuẩn bị đối phó với Ngày Zero, thời điểm mà lượng nước dự trữ trong 6 đập nước lớn sẽ rơi xuống mức 13,5% công suất. Mức này được dự báo sẽ xảy ra vào ngày 16/4.
Khi đó, nguồn cung nước máy sẽ không còn bảo đảm, Cape Town sẽ phải đóng van nước đến khoảng một triệu gia đình, tức 75% của thành phố. “Người dân sẽ rất hoảng loạn khi một ngày họ vặn van mà nước không chảy nữa”, Christine Colvin, quản lý chương trình nước sạch của Quỹ Bảo tồn Hoang dã thế giới (WWF), nói.
Để thay thế nguồn nước máy, chính quyền sẽ thiết lập 200 điểm lấy nước rải rác trong thành phố, áp đặt quy định rằng mỗi người được tiêu thụ tối đa 25 lít nước/ngày.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng trở thành gánh nặng lớn với chính quyền địa phương. Chi phí để lắp đặt và vận hành những điểm lấy nước này trong 3 tháng ước tính đến gần 200 triệu rand (17 triệu USD). Và thay vì bán nước, việc này hoàn toàn miễn phí, nên sẽ khiến thiệt hại đến hơn 1,4 tỷ rand (115 triệu USD).
“Tổng ngân sách của thành phố là 40 tỷ rand (hơn 3,3 tỷ USD), cho nên trước mắt đó sẽ không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Nhưng về lâu dài sẽ tạo ra cảm giác chán nản”, Phó thị trưởng Ian Neilson nói.
Ông Neilson cho biết mối quan ngại chính là bảo đảm nền kinh tế không bị sụp đổ. “Chúng tôi cần phải giữ nhịp hoạt động và công ăn việc làm bình thường. Hiển nhiên việc thay đổi nguồn cung nước sẽ tạo ra tác động đáng kể, cũng còn tuỳ thuộc nó diễn ra bao lâu”.
Ông Neilson nhấn mạnh Ngày Zero có thể tránh được. Việc giảm dần áp lực với nguồn cung nước máy cùng với các chiến dịch tuyên truyền để bảo tồn nguồn nước đã giúp lượng nước tiêu thụ hàng ngày của thành phố giảm từ 1.200 triệu lít còn 540 triệu lít. Nếu mức giảm tiếp tục tăng thêm 25% thì nguồn nước máy vẫn có thể cầm cự cho đến mùa mưa vào tháng 5.
Nguồn nước ngày càng thu hẹp
Tuy nhiên khả năng này không chắc chắn. Cape Town đã trải qua 3 năm hạn hán kéo dài liên tiếp ảnh hưởng đến nhịp độ mùa màng như trước đây. “Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, khi những kinh nghiệm quá khứ không còn là chỉ dẫn chính xác cho tương lai”, bà Colvin nói.
Chính quyền Cape Town đang nỗ lực đối phó bằng cách đa dạng hoá nguồn cung nước, khi khoan thêm nhiều giếng và trồng nhiều cây khử mặn. Những kế hoạch này vốn dự định tiến hành vào năm 2020 nhưng nay đã không thể trì hoãn, vì biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh hơn. Nó được dự báo sẽ đem tới đợt hạn hán nghiêm trọng chỉ xảy ra 384 năm một lần.
Hệ thống chứa nước lớn nhất hiện nay, đập Theewaterskloof, đang gần như khô cạn. Khu đất kế bên hồ nay hoá thành sa mạc. Cần phải đi mất 30 phút dưới ánh mặt trời nóng bỏng để đi đến vùng nước gần nhất.
Lượng nước giảm dần ở đập Theewaterskloof do hạn hán. Đồ hoạ: Guardian. |
Trong khi đó, tại Cape Town, người dân lo lắng về viễn cảnh thiếu nước. “Chúng tôi rất sợ. Nước chính là nguồn sống. Chúng tôi không biết phải làm gì nếu không còn nước”, cô Amirah Armien nói khi đang xếp hàng chờ lấy nước tại một điểm tập trung.
Từ tháng trước, các siêu thị cũng bắt đầu giới hạn số lượng chai nước mà mỗi vị khách có thể mua. Bể chứa nước và nắp đậy cũng là mặt hàng được bán hết rất nhanh. Thợ khoan giếng nhận đơn hàng tới tấp đến nỗi không thực hiện xuể. Ngay cả máy hút ẩm, loại thiết bị được quảng cáo là “lấy nước từ không khí”, cũng rất đắt hàng.
“Người dân vô cùng hoang mang. Anh bước vào cửa hàng và thấy mọi người mua đến 20 chai nước lớn. Như vậy càng làm tăng thêm lượng plastic không thể phân huỷ”, David Gwynne-Evans, một nhà thực vật học, nói.
Ông cho rằng các trang trại nho ở Cape Town đang trở thành “tội đồ” bởi vì họ chẳng những tiêu thụ nước quá nhiều mà còn đẩy mạnh hoạt động trong bối cảnh hiện nay. “Rượu vang là thứ xa xỉ. Chúng ta không nên sử dụng nước cho việc đó. Thế mà bây giờ nhiều vườn nho mới lại mọc ra”, ông nói.
Nỗ lực thích nghi
Nhiều khách sạn chỉnh sửa lại nội thất phòng tắm để buộc du khách sử dụng vòi sen thay vì tắm bồn. Các bồn vệ sinh cũng chia ra hai mức nước để người dùng phân biệt sau khi sử dụng, nhằm tối ưu hoá lượng nước. Một số trung tâm mua sắm thì thay thế các vòi nước máy bằng những bình xịt khử trùng để người dân rửa tay.
Người dân cũng không còn tắm rửa lãng phí nước, mà họ sử dụng bồn loại nhỏ để có thể giữ lại nước cho các công việc khác, như giặt giũ hoặc xối nhà vệ sinh.
Đối với người dân Cape Town, chủ đề nóng nhất hiện nay chính là họ có thể tiết kiệm bao nhiêu lít nước mỗi ngày, hoặc tránh hao tốn nước quá nhiều trong nhà vệ sinh.
Người dân Nam Phi tập trung tại những điểm lấy nước công cộng. Ảnh: Guardian. |
“Tôi chưa bao giờ bàn bạc về chuyện nhà vệ sinh nhiều như lúc này. Năm ngoái, chúng tôi từng nói việc có nên tích cực sử dụng nhà vệ sinh công cộng, và không giật nước xối hay không. Bây giờ chúng tôi còn nói nhiều hơn thế”, Fiona Kinsey, một nhân viên văn phòng, nói.
Đôi khi “bêu xấu” là cách để tạo ra kỷ luật. Một bản đồ tương tác về lượng tiêu thụ nước được thiết lập để người dân có thể giám sát lẫn nhau. Nhiều trung tâm thể thao thậm chí còn lắp còi báo động nếu một người sử dụng phòng tắm quá 2 phút.
Một mặt tích cực từ tình trạng này là ngày càng nhiều người nhận thức được việc bảo tồn và hạn chế sử dụng nước lãng phí. Ngay cả những nhà giàu có cũng phải xếp hàng lấy nước, họ đang thấu hiểu cuộc sống ở những khu dân cư nghèo.
Người giáo viên Dee Watson tỏ ra hào hứng cho rằng mọi tầng lớp xã hội được kết nối với nhau khi cùng xếp hàng lấy nước. “Ai cũng cần nước sinh hoạt và điều đó mang mọi người lại với nhau. Nhưng điều đáng sợ là một số người quá tham lam và mua nước tích trữ quá nhiều”.
Đường phố cũng luôn tấp nập người lái xe qua lại, chở theo những thùng chứa nước lớn. “Đó thực sự là cơn ác mộng. Họ làm ồn ào cả đêm khiến chúng tôi không ngủ được”, một cụ ông ở nhà dưỡng lão Cresswell House nói.
Sự thiếu hụt nước cũng làm nổi bật tình trạng bất mãn xã hội do chênh lệch thu nhập. Những nhà giàu có đã tự khoan giếng và có các bồn chứa nước riêng, nên họ không bị phụ thuộc vào các điểm tiếp nước công cộng. Họ vẫn mở vòi tưới nước cho bãi cỏ vào sáng sớm mỗi ngày. Một số người dân phẫn nộ khi biết hồ bơi trong các căn nhà này luôn đầy nước.