Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ham vui với FaceApp, chúng ta đang bán rẻ chính mình

Việc FaceApp "càn quét" Facebook trong vài ngày qua cho thấy người dùng mạng xã hội thực tế rất ham vui, không quan tâm đến những nguy cơ khi chia sẻ hình ảnh.

Trừ khi không dùng Facebook cả tuần nay, nếu không thì hẳn bạn đã bắt gặp hàng loạt bạn bè mình biến thành "người già" qua ứng dụng có tên FaceApp. Dường như ai cũng thích thú với trào lưu này và muốn khoe ảnh bản thân về già.

Tất nhiên, giống như nhiều trào lưu khác, FaceApp đem lại niềm vui cho những người dùng, và vì thế nó mới được chia sẻ rộng rãi đến vậy. Tuy nhiên, những giây phút vui vẻ có thể khiến bạn quên mất nguy cơ từ việc cấp quyền truy cập hình ảnh cho một ứng dụng chưa chắc đã có thể tin tưởng.

Nếu như chấp thuận điều khoản sử dụng của FaceApp, người dùng vẫn sở hữu bản quyền về khuôn mặt của mình, nhưng FaceApp được phép can thiệp miễn phí và vĩnh viễn hình ảnh khuôn mặt của bạn và có thể sử dụng để tạo các sản phẩm phái sinh. Nói cách khác, bạn đã cấp quyền cho nhà phát triển FaceApp sử dụng hình ảnh của mình làm gần như bất cứ thứ gì họ muốn, dù là để huấn luyện AI hay đem đi quảng cáo.

nguy co khi su dung faceapp anh 1
Người nổi tiếng hay người dùng thông thường, tất cả đều đang bị cuốn vào trào lưu FaceApp. Ảnh: Getty.

Trào lưu FaceApp chưa chấm dứt, nhưng sự nổi lên nhanh chóng của ứng dụng này có thể mở ra nhiều góc nhìn thú vị về hành vi của người dùng mạng xã hội.

Mặc kệ cảnh báo, ngày càng nhiều người dùng theo trào lưu

FaceApp không phải ứng dụng duy nhất có những điều khoản không rõ ràng hoặc mờ ám. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là ngày càng có nhiều người ăn theo trào lưu này, mặc dù các cảnh báo về an ninh đã xuất hiện được vài ngày.

Số người dùng FaceApp thậm chí còn tăng vọt sau khi các cảnh báo về ứng dụng được đăng tải. Điều này cho thấy người dùng ham vui, thích những gì mới mẻ, thú vị hơn là quan tâm đến những nguy cơ xa xôi. "Ứng dụng vui vẻ thôi mà", "làm sao mà hại đến mình được" là những suy nghĩ phổ biến của những người dùng FaceApp.

FaceApp đã một lần nữa cho thấy lý do vì sao Facebook, Google có thể đạt được thành công như vậy: những ứng dụng miễn phí, vui vẻ và thường là hữu dụng được cung cấp để đổi lấy dữ liệu của người dùng, và nhà phát triển sẽ kiếm lời từ dữ liệu đó.

Google, Apple chẳng thèm can thiệp

Giống như nhiều trường hợp trước đây, những quy trình kiểm soát của Google, Apple dành cho kho ứng dụng của họ đã không đủ sức mạnh để làm chậm đi sự lây lan của FaceApp.

nguy co khi su dung faceapp anh 2
Trên App Store hay Play Store, FaceApp đều có vị trí cao, hàng trăm nghìn lượt tải.

Dù có quy trình kiểm tra thủ công từng ứng dụng đăng tải lên App Store, Apple dường như không thấy có vấn đề gì ở FaceApp, cho phép ứng dụng này tiếp tục tải thông qua App Store. Apple, Google đều chưa có một phản ứng nào kể từ khi xuất hiện những nghi ngờ về việc FaceApp có thể lợi dụng dữ liệu của người dùng.

Xét cho cùng thì họ cũng chẳng có lý do gì để ngăn chặn FaceApp. Dù các công ty luôn khẳng định tôn trọng sự riêng tư của người dùng, đến giờ chúng ta vẫn chưa thể thống nhất họ cần tôn trọng đến đâu, cụ thể trong từng trường hợp ứng dụng được sử dụng với mục đích nào. Đó mới chính là vấn đề lớn nhất.

Chẳng ai quan tâm đến quyền riêng tư

Vấn đề lớn nhất đối với nhứng ứng dụng như FaceApp là quyền riêng tư của người dùng gần như không phải là thứ đáng quan tâm, trừ khi nó trực tiếp gây hại đến an ninh quốc gia. Những nghị sĩ Mỹ chỉ lên tiếng khi có thông tin FaceApp do một công ty Nga phát triển, và nó có thể lấy dữ liệu từ công dân Mỹ.

nguy co khi su dung faceapp anh 3
Có lẽ chính chúng ta nên quan tâm đến quyền riêng tư của mình trước khi trông đợi Facebook, Google hay các chính phủ quan tâm. Ảnh: Getty.

Sự nổi lên của FaceApp cho thấy hóa ra việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người là rất đơn giản: tạo ra một ứng dụng vui vẻ, khiến người dùng trông thật kỳ dị. Trừ trường hợp ứng dụng trở nên quá nổi tiếng và bị soi mói, còn lại phần lớn thời gian chúng sẽ không bị quan tâm. 

FaceApp một lần nữa cho thấy chính người dùng cũng cần phải quan tâm đến quyền riêng tư của mình, trước khi trông đợi vào những công ty sở hữu nền tảng hoặc chính phủ. Nếu không, những dữ liệu của chúng ta vẫn sẽ bị các công ty lợi dụng để kiếm lời, đổi lại một vài phút giây vui vẻ của người dùng.

Cái bẫy 'miễn phí' từ Google, Facebook Miễn phí dường như chỉ là cách gọi khác cho những gì mà nhiều công ty công nghệ kinh doanh hiện nay. Họ đã kiếm được tiền tỷ từ dữ liệu cá nhân người dùng.

FaceApp bị cảnh báo toàn cầu, dân mạng VN ung dung khoe ảnh

Đã có nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng FaceApp, nhưng nhiều người dùng Việt Nam vẫn vô tư cho rằng "dữ liệu của tôi không có gì quan trọng".




Hà My

Theo Phone Arena

Bạn có thể quan tâm