Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hầm tránh bão của già làng ở Đà Nẵng

Căn hầm nửa nổi nửa chìm, cao 2 m, chiều rộng 1,5 m, có ống thông hơi, cửa đóng mở ra vào, có thể trú được trên 15 người.

9h sáng ngày 10/11, khu vực miền núi xã Hòa Phú co mưa nhỏ, gió nhẹ. Chúng tôi đến nhà già làng Lê Văn Rời (84 tuổi), người Cơ Tu ở tại thôn Phú Túc, xã Hoà Phú (Hoà Vang - TP Đà Nẵng) để “mục sở thị” hầm tránh bão của già làng tự xây bằng đồng tiền “chắt bóp” của mình.

Già làng Lê Văn Rời thảng thốt kể lại trận bão “dữ” (Xangsane) năm 2006: “Sáng ngày 1/10/2006, được chính quyền, Đội Dân phòng, CCB... chia nhau ra đi khắp tổ 2 và 3 để huy động bà con sơ tán đến nhà Gươl hoặc nhà xây kiên cố để tránh bão. Thời gian này, được sự quan tâm của các cấp các ngành xây cho thôn Phú túc một nhà Gươl to, đẹp. Có họp hành, sinh hoạt… bà con cũng đến nhà Gươl, hôm ấy tránh bão, bà con cũng chạy đến nhà Gươl, con số lên đến trên 70 người, trong đó có vợ  chồng tui. Khoảng 8h30 gió bắt đầu thổi mạnh, từng luồng cuồng phong rít lên từng hồi ghê rợn, qua khe ván của nhà Gươl, các nhà xây của bà con tốc mái, tôn bay xối xả; cây cối, nhà cửa sụp đổ ngổn ngang.

Bà Nga (vợ già Rời) lúc sinh tiền kinh hoàng khi cơn bão Xangsane ập vào làng (ảnh chụp năm 2006).

Khoảng 9h, trời tối sầm lại, các trận cuồng phong lại rít lên như điên dại từ phía sau  khe suối thổi lên, một bờ ván của nhà Gươl bị gió thổi trốc bay, ngôi nhà to lớn rung rinh trong cơn bão. Lúc bấy giờ, người già, trẻ con nằm, ngồi la liệt trên sàn, khóc lóc vang trời, cảnh tượng trông rất bi thương.

Thấy ở đây nguy hiểm, các anh có trách nhiệm đưa bà con di tản xuống dưới sàn nhà, các thanh niên trai tráng và đội dân phòng đưa người già, lũ trẻ xuống trước. Khi người cuối cùng vừa chui được xuống sàn thì nghe một cơn cuồng phong mãnh liệt với tiếng rít kinh hồn đã làm gãy đổ 8 trụ bê tông, nhà Gươl bị sụp hoàn toàn. Các dầm bê tông, xà gồ bằng sắt, tôn… (nặng trên vài tấn), đổ nghe ầm một tiếng điếc cả tai. Nhờ có khung dầm, đà bằng bê tông và lớp ván lót sàn nhà Gươl dày nên bà con trú dưới “sàn hầm “ này thoát chết…”.

Cơn bão “dữ” đi qua, để lại cho thôn Phú Túc - nơi có gần 90 % là đồng bào dân tộc Cơ Tu một hậu quả nặng nề: 16 cái nhà ở và 1 nhà Gươl bị sập hoàn toàn; 51 cái tốc mái hoàn toàn, 29 cái tốc mái một phần trong tổng số 106 cái nhà trong toàn thôn. Sau đó, nhờ sự hổ trợ kịp thời của nhà nước..., nội lực của từng gia đình, 100% nhà cửa của bà con dân tộc Cơ tu đã sửa chữa, xây mới xong. Với kinh nghiệm của một người cao tuổi, vị già làng đã 40 năm đứng đầu bản đã tập trung tất cả bà con lại cùng bàn bạc cách khắc phục, ổn định cuộc sống.

Uống tiếp ngụm nước, già làng Rời bộc bạch: ”Năm vừa qua (2008), trên báo, đài dự báo có khả năng nhiều cơn bão lớn ập về. Hai vợ chồng già chúng tôi sợ quá, bèn tiền giành dụm từ bán chuôí, bán củi…, vào tháng 5/2008, tôi đã cho xây cái hầm này để tránh bão với kinh phí 2,5 triệu đồng.

Già làng Rời đưa chúng tôi ra sau vườn xem hầm và cho hay, đây là cái hầm nửa nổi nửa chìm, cao 2m, chiều rộng 1,5m, chiều dài 2m, có ống thông hơi, có cửa đóng mở ra vào. Hầm có thể trú được trên 15 người. Đây, là cái hầm tránh bão đầu tiên của đồng bào Cơ Tu ở thành phố Đà Nẵng.

Già làng Rời ra khỏi hầm tránh bão khi nghe tin bão 14 chuyễn hướng. (Ảnh chụp lúc 9h ngày 10/11).

Với kinh phí xây dựng hầm tuy nhỏ nhưng đó là khoảng tiền rất lớn dành dụm được của già làng nghèo Cơ Tu. Ngoài ra, tuổi cao nhưng đích thân Già cùng  với sự vận động con cháu gùi từng gùi đá, cát, sạn từ dưới khe sâu về xây hầm tránh bão. Thật đáng trân trọng biết bao cho Già, khi hầm không chỉ phục vụ tránh bão cho hai ông bà mà còn phục vụ cho con, cháu, hàng xóm láng giềng mỗi khi có bão.

Già làng Rời cho hay: "Cơn bão số vừa qua, gây tốc mái, đổ trụ một số nhà bên cạnh. Hầm tránh bão của già Rời có trên 15 người trú ẩn nên an toàn tính mạng cho mọi người. Tối rất tiếc là không có tiền để “nâng cấp” hầm tránh bão nầy rộng gấp 4 lần căn hầm nầy mới bão đảm an toàn cho người dân khu vực chung quanh nhà. Nghe đài báo cơn bão Hayan rất “ác liệt”, ngày hôm qua (9/11) và đêm qua rạng sáng hôm nay, hầm tránh bão có hơn 15 người trú bão. Rất may nghe tin bão 14 chuyển hướng, dân làng chúng tôi vui cái bụng rất nhiều".

Cơn bão làm trốc mái hiên và gãy đổ một số trụ. (Ảnh chụp lúc 9h ngày 10/11).

 

 

Tùng Sơn

Bạn có thể quan tâm