Ngày 23/10, có mặt bên trong hầm đường bộ Hải Vân, phóng viên ghi nhận thực trạng nứt hầm tại đây. Theo quan sát, các vết nứt xuất hiện nhiều ở cách miệng hầm phía Nam gần 300 m. Các vết nứt xuất hiện kéo dài trong vệt khoảng 2 km - bên phía thành hầm đang được Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đục mở rộng hầm thứ 2.
Hai bên thành hầm, các vết nứt hình chân chim, vết nứt dài, ngắn loang lổ Theo ghi nhận, tiết diện vết nứt dưới 1 mm.
Hình ảnh hầm Hải Vân với các vết nứt kéo dài. |
Từ tháng 1/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhận bàn giao vận hành, khai thác hầm Hải Vân 1. Đơn vị này cũng là chủ đầu tư BOT dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Ban quản lý dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2, cho biết các vết nứt đã xuất hiện từ năm 2014, chủ yếu là các vết chân chim.
“Ngoài phần bê tông cốt thép chịu lực, bên ngoài là một lớp vỏ rất dày được ví như chiếc áo trang trí cho hầm. Việc xuất hiện các vết nứt này hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của hầm Hải Vân, chỉ làm bong tróc lớp sơn epoxy được bảo trì lại từ năm 2013”, ông Hà nói.
Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết đã phủ một lớp thạch cao (khoanh đỏ) bên ngoài vết nứt để theo dõi nhưng thời gian qua, vết nứt không phát triển. |
Ngoài ra, từ ngày 11/7/2016, Công ty Đèo Cả bắt đầu nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 mở rộng từ hầm lánh nạn trước đây. Việc đóng hầm, nổ mìn thực hiện từ 13h15 - 13h45 hàng ngày. Nhiều người lo ngại, công tác nổ mìn đang ảnh hưởng đến hầm Hải Vân 1 và khiến nứt hầm nhiều hơn.
Tuy vậy, ông John Clifford Beckett (thành viên liên doanh tư vấn giám sát dự án), khẳng định các quan trắc từ khi bắt đầu nổ mìn đến nay cho thấy không ảnh hưởng kết cấu hầm Hải Vân 1. Bằng chứng là từ thời điểm này không xuất hiện thêm các vết nứt mới, vết nứt cũ cũng không mở rộng.
Ngày 23/10, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẳng định hầm Hải Vân 1 an toàn, tuy nhiên thực tế nhiều tài xế lưu thông qua hầm vẫn lo lắng về độ chịu lực của vỏ hầm trong tương lai.