Chiều 21/10, tại cuộc báo hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc PCCC Hà Nội - cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9/2014, trên địa bàn xảy ra 126 vụ cháy nổ làm 8 người chết, 14 bị thương, gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy do điện và có liên quan tới điện chiếm khoảng 43%.
Đối với 2 vụ cháy vào tối 18/10, Đại tá Sơn cho biết hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân. Tuy nhiên, thiệt hại về của là gần 140 tỷ đồng, rất may không có thiệt hại về người.
Lực lượng PCCC chữa cháy tại khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Phi Hùng. |
Vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh) diễn ra trên tổng diện tích 13.000 m2, ước tính thiệt hại 130 tỷ đồng. Với vụ cháy này, lực lượng PCCC Hà Nội đã huy động 17 xe nước, có sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Thủ đô với 4 xe chữa cháy, 30 xe nước của công ty Môi trường đô thị, trong 3 giờ mới cơ bản dập tắt đám cháy.
Còn vụ hoả hoạn tại đường Dương Đình Nghệ cháy trên diện tích 3.000 m2, lực lượng PCCC huy động 18 xe chữa cháy và 2 máy xúc, máy ủi và chữa cháy trong vòng 3 giờ.
Qua 2 vụ cháy tối 18/10, Đại tá Sơn tiết lộ hiện nay nguồn nước chữa cháy tại chỗ quá ít, trụ nước cũng không đạt công suất tiêu chuẩn.
“Với vụ cháy tại khu công nghiệp Quang Minh, nếu có hồ khoảng 1.000 m3 nước tại chỗ thì mới giúp công tác chữa cháy hiệu quả”, đại tá Sơn nói và cho biết hiện nay TP.Hà Nội thiếu tới 6.000 trụ nước cứu hỏa theo đúng tiêu chuẩn.
Người dân cùng lực lương PCCC chuyên nghiệp dập lửa tại vụ cháy trên đường Dương Đình Nghệ. Ảnh: Tuấn Mark. |
Cũng tại buổi họp báo, vấn đề chữa cháy cho nhà cao tầng được nhiều phóng viên quan tâm với hàng loạt câu hỏi: "Chữa cháy cho nhà cao tầng như thế nào? Thiếu nước thì giải quyết ra sao?"
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết không phải tòa nhà cao tới đâu thì thang chữa cháy phải cao tới đó. Tại Việt Nam hiện nay thang chữa cháy cao nhất là 72 m, nhưng tòa nhà cao nhất lại hơn 300 m.
"Công tác PCCC tại các tòa nhà cao tầng trước tiên thuộc về trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà, khu dân cư và của chính từng hộ dân, cá nhân. Còn xe thang phục vụ cho việc chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn", đại tá Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định công tác chữa cháy phải từ trong ra ngoài, đặc biệt tại các chung cư người dân phải tích cực phòng cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đại diện PCCC Hà Nội cũng nêu thực trạng hiện nay việc đầu tư cho công tác PCCC rất tốn kém, vì thế nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dẫn tới tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Chiếc xe thang 72 m chuyên dùng cho chữa cháy và cứu hộ thuộc loại cao nhất và duy nhất ở Việt Nam hiện nay với giá nhập khẩu hơn 1 triệu USD thuộc Phòng cảnh sát PCCC quận Tân Phú, TP.HCM.
Đây là loại xe thang gấp khúc với tầm hoạt động tối đa 72 m (tầm các tòa nhà 22 tầng). Giỏ thang có thể mang được khoảng 7 người trong một lần. Do sức nặng của xe 47- 48 tấn, cồng kềnh nên khó đi qua cầu, phà... nên hoạt động của xe chỉ giới hạn trong một số tuyến đường ở trung tâm TP.HCM.