Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ở những nước đang phát triển, có tới 19% nữ giới sinh con trước khi tròn 18 tuổi. Những quốc gia có tỷ lệ sinh trước 18 tuổi cao nhất là các nước Tây Phi như Niger (51%), Chad (48%), Mali (46%) và Guinea (44%). Tính trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ sinh vị thành niên đang giảm nhưng lại đang tăng lên ở ba khu vực là Nam Á, châu Phi cận Sahara và Mỹ Latinh.
Không chỉ ở những nước đang phát triển, các nước phát triển cũng đối mặt với tình trạng mang thai ở độ tuổi vị thành niên, chiếm khoảng 5% số các ca sinh mà mẹ là trẻ vị thành niên. Mỹ dẫn đầu các nước phát triển về tỷ lệ này.
Quỹ Dân số nhấn mạnh rằng việc mang thai không phải là kết quả của một “sự lựa chọn có chủ ý” mà là "kết quả của việc không được quyền lựa chọn và ngoài tầm kiểm soát của phụ nữ”.
Cô bé Komol đang thực hiện nghi lễ đám cưới. Ảnh: Times of India. |
Tiến sĩ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tuyên bố trong một e-mail: "Đối với những thanh thiếu niên còn rất trẻ, họ không có quyền có tiếng nói hay không có quyền quyết định khi nào mang thai, tương lai của họ sẽ bị phá hủy, nhân quyền căn bản của họ đã bị vi phạm”.
Komol, một bé gái Ấn Độ 16 tuổi, từng cầu xin bố mẹ không ép kết hôn để có thể tiếp tục học tập và đem lại cho bố mẹ cô một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng họ bỏ qua lời cầu xin của cô. Cô đã mang thai đứa con đầu lòng ở tuổi 16 sau một cuộc hôn nhân mà cô không hề mong muốn.
"Từ khi kết hôn, tôi hầu như không bao giờ được phép bước ra khỏi nhà. Khi không có ai ở nhà, tôi lấy sách giáo khoa cũ ra đọc, ôm con và khóc. Con tôi là một bé gái nhỏ đáng yêu, nhưng tôi luôn bị mắng vì không đẻ con trai”, cô kể.
Những nguyên dân cơ bản dẫn đến tình trạng mang thai sớm là đói nghèo, bạo lực tình dục, thiếu tiếp cận với thông tin về sức khỏe sinh sản và tình trạng hôn nhân trẻ em.
Song ở một số nước, người ta còn sử dụng các bé gái như một hàng hóa trao đối nhằm tăng cường các mối quan hệ, trả nợ cho gia đình, dẫn đến tình trạng hôn nhân trẻ em. Theo báo cáo, nhiều gia đình còn muốn gạt bỏ gánh nặng đối với các bé gái, thậm chí là bán con gái mình đi để lấy tiền. Những tệ nạn này hầu hết xuất phát từ đói nghèo, từ tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’ trong cộng động và mỗi gia đình.
Trong khi đó, các chiến dịch phòng ngừa mang thai lại chỉ nhắm vào việc thay đổi hành vi của các bé gái và mặc nhiên đổ lỗi cho các em. Phương pháp và suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm vì chúng không tính đến hoàn cảnh cũng như những áp lực xã hội đối với các bé gái ở tuổi vị thành niên.