Ngày 3/7, Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Thái Lan công bố video đoạn trò chuyện đầu tiên giữa đội cứu hộ và đội bóng nhí sau 10 ngày mắc kẹt trong hang.
“Các chú đến từ nước nào?”, một cậu bé hỏi bằng tiếng Anh.
“Nước Anh”, người cứu hộ trả lời.
Giọng Anh xuất hiện trong đoạn video được cho là của hai chuyên gia Richard Stanton, 56 tuổi và John Volanthen, 47 tuổi. Tuần trước, họ cùng đồng nghiệp tình nguyện đến hỗ trợ chính quyền Thái Lan giải cứu đội bóng nhí mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non, tỉnh Chiang Rai.
Lặn hang động "không dành cho kẻ ngốc"
Stanton và Volanthen nằm trong số những người nhái ưu tú nhất thế giới. Ông Stanton là lính cứu hỏa hơn 20 năm, còn ông Volanthen là một kĩ sư mạng tại Bristol. Cả hai đều là tình nguyện viên của Đội giải cứu hang động miền Trung và miền Nam xứ Wales, vương quốc Anh.
Ba thợ lặn từ Anh, Richard Stanton (trái), John Volanthen (phải) và Robert Harper (giữa) tới hang Tham Luang tại Chiang Rai ngày 27/6. Ảnh: AFP. |
Vào năm 2011, bộ đôi này từng lập kỷ lục lặn quãng đường dài nhất thế giới sau khi thành công trong việc bơi sâu 9 km vào hang ở phía bắc Tây Ban Nha. Tuy vậy, ông Volanthen không tự cho rằng ông là người ưa cảm giác mạnh.
“Sự hưng phấn và adrenaline là rất tuyệt trong một số trường hợp nhưng không phải trong việc lặn hang động. Bạn đang ở trong một môi trường mà không có chỗ cho những kẻ ngốc”, ông nói.
“Tôi thích những thử thách, chẳng hạn như việc lặn đến tận cuối một hang động dài với những dụng cụ của mình. Việc này không nguy hiểm nếu bạn làm đúng, chỉ là bạn phải luôn để ý kiểm soát mọi thứ”.
John Volanthen trong bộ đồ nghề lặn khi ra khỏi hang. Ảnh: Getty. |
Ông Volanthen bắt đầu lặn khi còn là một hướng đạo sinh và theo học ngành điện tử tại Đại học De Montfort, Leicester. Ông thường dành thời gian rảnh để chạy bộ.
Chính ông Volanthen là một trong người đầu tiên trò chuyện trong bóng tối hang động với đội bóng nhí được tìm thấy.
"Các cháu có bao nhiêu người?", ông Volanthen hỏi các cậu bé. "13 à? Tuyệt vời".
"Tôi chỉ đang làm việc của tôi thôi"
Stanton, đồng nghiệp của ông Volanthen, bắt đầu lặn năm 18 tuổi để khám phá các hang động sau khi được truyền cảm hứng từ một chương trình TV.
Năm 2013, ông Stanton được phong tước Hiệp sĩ đế chế Anh (MBE) nhờ công tác giải cứu 3 năm trước đó. “Khi tôi nhận được thông báo của hoàng gia, tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tôi chỉ đang nỗ lực hết sức làm công việc mình thích”.
Năm 2010, Eric Establie bị kẹt trong hệ thống hang động Draggoniere Gaude tối và ngập nước tại khu vực Ardeche, Pháp sau một trận lở đất.
Lúc đó, cả thế giới chỉ có một vài thợ lặn có đủ khả năng cứu hộ và bộ đôi người nhái nước Anh đã bay thẳng đến hiện trường bằng trực thăng của Lực lượng Không quân Hoàng gia. Mặc dù chỉ có thể nhìn thấy khoảng 30 cm phía trước, đội cứu hộ đã vượt qua lối vào bị chặn và tìm được nạn nhân.
Richard Stanton tham gia cứu hộ tại Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Ông Stanton cũng từng tham gia vào một cuộc giải cứu quy mô lớn tại Mexico năm 2004. Nhóm cứu hộ của ông đã trang bị thiết bị lặn cho những người gặp nạn bị kẹt tại hang Alpazat ngập nước trong rừng Trung Mỹ. Cả quá trình giải cứu mất 6 giờ.
Công cuộc giải cứu tiếp tục
Mặc dù từng giảng dạy chuyên môn lặn và sở hữu thành tích giải cứu anh hùng, ông Stanton và người đồng đội Volanthen luôn đứng ở phía sau ánh đèn sân khấu.
“Chúng tôi phải làm việc đây”, ông Volanthen nói trước khi tiến vào bóng tối hang động Tham Luang, nỗ lực giải cứu đội bóng nhí mắc kẹt đã 10 ngày.
Theo Reuters, nhà chức trách Thái Lan hôm 2/7 cho biết đội cứu hộ đã tìm thấy 13 người mất tích trong hang. Tất cả những người được tìm thấy hiện vẫn còn sống.
Nhiệm vụ hiện tại của đội giải cứu là đưa đội bóng ra khỏi hang an toàn. Đây vẫn là một thách thức bởi phần lớn hang Tham Luang vẫn ngập sâu trong nước và bùn.
12 cầu thủ trẻ và huấn luyện viên của đội bóng đá Lợn Hoang mắc kẹt trong hang động Tham Luang Nang Non từ ngày 23/6. Đây là một trong những hang động dài nhất Thái Lan. Một người đàn ông từng bị lạc tại đây vào năm 2002 gọi nơi này là “mê cung” và coi việc còn sống thoát ra là một điều kỳ diệu.
Ngoài lực lượng cứu hộ chính gồm hơn 1.000 binh sĩ, thợ lặn và đặc nhiệm, Thái Lan đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trong nước, tổ chức và chuyên gia nước ngoài từ Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc, Lào và Myanmar.