PGS.TS Nguyễn Lân Cường (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. |
Trải qua 6 mùa giải, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành dịp để phát hiện và tôn vinh những xuất bản phẩm giá trị cao, góp phần phổ biến và nâng cao văn hóa đọc nước nhà.
Nhiều tác giả đạt giải là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia với trình độ uyên bác và tinh thần cống hiến miệt mài, là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Tại mùa giải thứ VII năm nay, nổi bật có hai công trình Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? của PGS.TS Nguyễn Lân Cường là những tác phẩm kết tinh hàng thập kỷ tìm tòi, làm việc của các tác giả.
Bộ sách về lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết bản thảo đầu tiên của bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) được viết vào năm 1998. Quan sát thấy còn thiếu một công trình nhân kỷ niệm 300 lịch sử thành phố, ông đã tự lên đề cương và tham khảo ý kiến của Viện Khoa học Xã hội TP.HCM.
Đề cương được đánh giá cao, một nhà xuất bản đã ký hợp đồng mời ông thực hiện bản thảo. Suốt mấy tháng ròng rã sau đó, nhà nghiên cứu rong ruổi đến khắp các thư viện, trung tâm lưu trữ của thành phố để sưu tầm tài liệu. "Cả ngày tôi đi như một người công chức, trưa cũng ở lại đến chiều mới về", ông nhớ lại.
Sợ không hoàn thành kịp tiến độ đề ra, ông vừa viết tay bản thảo, vừa thuê người gõ lại bằng máy đánh chữ. Bản thảo hoàn thành, các khâu xử lý biên tập, dàn trang, làm bìa cũng đã sẵn sàng. Thế nhưng sau khi in thử, vì một "trở duyên" mà sách không được ra mắt bạn đọc.
Nhà nghiên cứu không nản chí. Ông giữ lại toàn bộ bản thảo vì nghĩ sẽ đến lúc có thể dùng. Và ngày ấy đã đến. Năm 2020, xét thấy không khí sử học sôi động, ông lần giở lại bản thảo năm xưa và cập nhật, bổ sung, hoàn thiện bản thảo.
Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Thanh Trần. |
Bộ sách vừa có thêm phần về giai đoạn từ năm 1998 đến 2020, vừa có thêm tài liệu bổ sung xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm của thành phố. Do đó, công trình đồ sộ tăng gấp đôi về dung lượng. Tập 1 bộ sách ứng với giai đoạn 1698-1945 dày 792 trang và tập 2 ứng với giai đoạn 1945-2020 dày 898 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Nhà nghiên cứu kỳ vọng công trình ấp ủ gần 30 năm của mình sẽ trở thành cẩm nang cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về thành phố.
Tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII năm nay, bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử được đánh giá cao. Hội đồng giám khảo nhận định cuốn sách tận dụng được nhiều tư liệu của nhiều nhà khoa học đi trước, hệ thống hóa một cách rất phong phú, khoa học các tài liệu có nguồn gốc đáng tin cậy và cung cấp nhiều thông tin có giá trị tham khảo cao.
Tác phẩm không chỉ mang nhiều dấu ấn về lịch sử mà cả dấu ấn của công trình địa chí văn hóa với nội dung phong phú, văn phong chính xác.
Cuốn sách giúp hiểu bộ xương người
Tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay, một công trình nghiên cứu thực hiện trong nhiều năm cũng được đề cử giải.
Năm 1990, vừa trở về sau chuyến đi thực tập sinh tại Liên xô (cũ), PGS.TS Nguyễn Lân Cường nảy ra ý định viết một cuốn sách lấy tên “Phương pháp đo xương sọ và xương dưới sọ của người”. Sau 4 năm chuẩn bị tư liệu, từ năm 1994 PGS bắt tay vào viết và đến năm 1996 bản thảo lần thứ nhất hoàn thành.
Trong khoảng thời gian đó, một số sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội xem bản thảo đã góp ý: “Anh không mô tả đầy đủ các xương thì chúng em làm sao hình dung được các điểm đo”, PGS nhớ lại. Thấy hợp lý, năm 1995 ông bắt tay vào viết bản thảo lần thứ hai và đặt tên “Nghiên cứu di cốt người trong phòng thí nghiệm và trên công trường khảo cổ học”.
Sách Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?. Ảnh: NXB Khoa học Xã hội. |
Mãi tới năm 2015 bản thảo này mới hoàn thành. Sở dĩ lâu như vậy là vì PGS tự tay vẽ 320 hình minh họa, lại kèm với hàng nghìn tên Latin. "Có những hình, tôi phải vẽ mất tới 4 tiếng đồng hồ", PGS hồi tưởng.
Thế nhưng ông vẫn chưa ưng vì sách thiếu hẳn phần bệnh lý người cổ và tính toán thống kê. Do đó ông tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đến cuối năm 2020 thì hoàn thành bản thảo lần thứ ba lấy tên Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?
Sách được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 2022, gồm 18 chương, 12 trang tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài từ năm 1875 đến năm 2018; với 320 hình minh họa và 25 bảng số liệu.
Tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, sách được hội đồng giám khảo nhận xét có giá trị khoa học và thực tiễn cao; phù hợp làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, cán bộ văn hóa ở các địa phương để xử lý di cốt người cổ được phát hiện. Đặc biệt, những hình vẽ mô tả chi tiết về cấu trúc bộ xương người có thể xem như cẩm nang cho các sinh viên trường y, đặc biệt các chuyên ngành về nghiên cứu xương người, hình thái răng, hàm, mặt.
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, PGS.TS Phạm Minh Phúc cho biết đội ngũ biên tập viên của đơn vị trong quá trình làm việc đều đánh giá PGS Nguyễn Lân Cường là nhà nghiên cứu cẩn thận, tỉ mẩn.
Ông cũng là trường hợp gần như "độc nhất vô nhị" tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: một nhà cổ nhân học vốn có gốc là dân sinh học. Theo TS Phạm Minh Phúc, những nhà nghiên cứu như PGS Nguyễn Lân Cường giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khoa học cần nghiên cứu liên ngành như hiện nay, nhất là với một ngành như nhân cổ học.
Hay tin cuốn sách lọt vào chung khảo và được đề xuất trao giải, cả tác giả và nhà xuất bản đều rất vui mừng. "Thật lòng mà nói, một công trình đồ sộ, chắt lọc gần như cả cuộc đời nghiên cứu như thế thì lúc xuất bản, số tiền nhuận bút cũng không đáng là bao. Chưa kể, đây còn là sách chuyên ngành nên khá kén độc giả".
Do đó, Giải thưởng Sách Quốc gia là sự ghi nhận có ý nghĩa đặc biệt, mà như TS Phạm Minh Phúc tâm sự, "phần nào giúp nhà xuất bản đỡ tủi thân" (cười). Ông cũng kỳ vọng giải thưởng sẽ giúp đưa những công trình học thuật giá trị cao đến gần với công chúng, để độc giả phổ thông hiểu hơn công việc của các nhà nghiên cứu.
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII (2024) được tổ chức vào 20h ngày 29/11/2024 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên VTV1 và Tri Thức - Znews. Đơn vị tài trợ: Vingroup, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Tổng công ty Giấy Việt Nam.