Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai sếp tuổi Ngọ 'hụt chân' gần năm ngựa

Từng là sếp Eximbank, sở hữu Nhựa Tân Đại Hưng hay nắm giữ cả 2 vị trí cao nhất tại Địa ốc Dầu khí, nhưng ông Phạm Trung Cang và ông Hoàng Ngọc Sáu đều không may vào cuối năm.

Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, giới tài chính liên tục rúng động bởi thông tin hàng loạt doanh nhân tuổi Ngựa liên tục vướng vòng lao lý. Trong đó, sự kiện mới nhất là phục hồi điều tra với cựu lãnh đạo Eximbank - ông Phạm Trung Cang - và bắt sếp Địa ốc Dầu khí Hoàng Ngọc Sáu.

Sinh năm Giáp Ngọ 1954, ông Cang từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại 2 ngân hàng, là chủ tịch của 2 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bao bì nhựa và du lịch. Ông là một trong những nhân vật quan trọng tạo nên thành công ban đầu của ngân hàng Á Châu.

Theo tài liệu điều tra được công bố, khi còn đương chức tại ACB, vị này đã tham gia vào cuộc họp của Thường trực HĐQT ACB vào ngày 22/3/2010, đề ra chủ trương uỷ thác cho nhiều cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, gây hậu quả thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng trong vụ án bầu Kiên.

Ông Phạm Trung Cang vừa bị phục hồi điều tra sau hơn 1 tháng nhận quyết định đình chỉ vụ án.

Ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn từ nhiệm chức danh thành viên ACB để tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Eximbank. Lúc này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành nên ngày 12/12, ông Cang chính thức được đình chỉ điều tra vụ án trên.

Nắm chức danh Phó chủ tịch Eximbank, ông Phạm Trung Cang đồng thời cũng là Chủ tịch công ty nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Vị này sở hữu 5,55% cổ phần tại TPC, 1,46 triệu cổ phiếu của Eximbank và là chủ tịch công ty cổ phần Du lịch Chợ Lớn.

Tưởng sóng gió đã qua thì bất ngờ vào ngày 14/1/2014, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên có kiến nghị làm rõ vai trò đồng phạm của ông Cang. Ngày 20/1, lệnh phục hồi điều tra đối với cựu lãnh đạo ACB và Eximbank chính thức được công bố. Cùng ngày, ông Cang cũng có văn bản giải trình gửi từ Mỹ đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc đang ở nước ngoài thăm con trai và cháu nội, sẽ tìm cách đổi vé để sớm trở lại Việt Nam phục vụ điều tra bổ sung. Vị này cũng cho biết, trong thời gian chưa về nước, ông đã ủy quyền cho luật sư thay mặt để làm việc với cơ quan chức năng về những vấn đề pháp lý có liên quan.

Cùng thời điểm phục hồi điều tra ông Phạm Trung Cang, một doanh nhân tuổi ngựa khác là ông Hoàng Ngọc Sáu - chủ tịch công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) bị bắt. Ông Sáu bị cho là có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc ông Sáu liên quan trực tiếp đến vụ án nào hiện vẫn chưa được công bố chính thức.

Khác với ông Cang, thông tin về cựu tổng giám đốc sinh năm 1966 này của PVL khá hiếm hoi. Ông Sáu sinh tại Thanh Hóa, từng giữ chức vụ Tổng giám đốc PVL từ tháng 7/2010 đến tháng 8/2013. Ngày 5/8/2013, ông Sáu thay ông Nguyễn Văn Lai, trở thành Chủ tịch của công ty Địa ốc Dầu khí. Sau đó không lâu, đến ngày 8/8/2013, vị này không còn nắm giữ chức vụ người đại diện hơn 10% vốn của PVL do Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) sở hữu.

T.A (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm